Kể từ khi bitcoin ra đời và liên tục phát triển cho đến nay, đã có hàng trăm sàn giao dịch tập trung (CEX) được ra mắt. Những sàn CEX này chính là cầu nối giúp cho nhiều nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thị trường crypto. Tuy nhiên, lịch sử crypto lại ghi nhận không ít vụ hay phá sản liên quan trực tiếp tới CEX.
Đấy là lý do tại sao Vitalik Buterin - nhà sáng lập của Ethereum cho rằng CEX là một nơi cực kỳ nguy hiểm. Theo ông, mọi người nên tập trung vào DEX - sàn giao dịch phi tập trung để giảm thiểu rủi ro bảo mật cũng như thúc đẩy thị trường DeFi.
Vậy DEX có những đặc điểm gì mà được những nhân vật nổi tiếng hàng đầu Crypto ủng hộ đến thế? Liệu có cách nào để tự mình đánh giá, chọn lựa sàn DEX uy tín không? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Decentralized Exchange (DEX) hay còn được gọi là sàn giao dịch phi tập trung. Khác với CEX, tài sản của anh em sẽ được an toàn hơn do không cần gửi cho một bên thứ ba quản lý. Thay vào đó, anh em sẽ lưu trữ tài sản trực tiếp trên ví Web3 cá nhân và các giao dịch sẽ được tự động thực hiện với smart contract chứ không phải qua hệ thống trung gian nào cả.
Tuy nhiên, trước khi giao dịch được hoàn tất, anh em phải thực hiện rất nhiều bước khác như nhập mật khẩu, chỉnh slippage, ký giao dịch,... Mà những thao tác này đều đòi hỏi phải có kiến thức cũng như kinh nghiệm về DeFi. Đây là rào cản với newbie và cũng là lý do dẫn đến việc DEX kén người dùng. Hệ quả là DEX có thanh khoản thấp hơn so với CEX.
Để khắc phục vấn đề thanh khoản, các DEX thường sử dụng công cụ Automated Market Maker (AMM) hoặc Concentrated Liquidity Market Maker (CLMM). Anh em có thể hiểu đơn giản đây là phương thức tự động khớp thanh khoản mà không cần sử dụng order-book.
Cụ thể, khi users swap một token, nền tảng sẽ tự động tìm một mức giá tương tự hoặc gần nhất để khớp lệnh. Thông thường, DEX sẽ cần tới liquidity providers, những người cung cấp thanh khoản nhận về lợi nhuận, hỗ trợ việc này.
Tất cả các hoạt động của sàn DEX đều được thực hiện và ghi lại trên hợp đồng thông minh (smart contract). Vậy nên, anh em sẽ không phải lo về vấn đề gian lận, thao túng,... như khi có một bên trung gian quản lý các giao dịch.
Ngoài ra nhờ tính phi tập trung nên các sàn DEX sẽ khó bị chi phối bởi một cá nhân, tổ chức lớn. Đặc điểm này còn giúp DEX tránh khỏi các cuộc tấn công tiềm ẩn. Hơn nữa, tính bảo mật cũng là một ưu điểm cực lớn của DEX. Tức thay vì sàn nắm giữ tài sản thì anh em mới chính là người quản lý trực tiếp toàn bộ.
Trên DEX, người dùng không cần phải KYC (Know your customer) - cung cấp thông tin cá nhân như tên, địa chỉ,...để thực hiện giao dịch như CEX. Điều này giúp quyền riêng tư, danh tính của người dùng được bảo vệ hiệu quả, tránh những trường hợp rò rỉ và sử dụng sai mục đích.
Ngoài ra, việc không yêu cầu KYC còn giúp người dùng tránh bị theo dõi, giám sát bởi các cơ quan quyền lực. Đặc biệt, người dùng có thể tự do giao dịch mà không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt của sàn. Sẽ không còn trường hợp đóng băng tài khoản, giới hạn giao dịch khi anh em sử dụng DEX.
Ở sàn DEX, quá trình niêm yết một token mới thường dễ và nhanh chóng hơn sàn CEX rất nhiều. Sự linh hoạt này giúp DEX nhanh chóng tiếp cận với nhà đầu tư mới cũng như giảm bớt các chi phí liên quan.
Đối với người dùng, họ có thể phân bổ vốn vào nhiều loại token khác nhau để giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận. Đồng thời các nhà đầu tư trên DEX có thể tiếp cận với nhiều loại tài sản mới lạ chưa có trên CEX, hay được gọi là hidden gem với tiềm năng tăng trưởng ấn tượng.
Ví dụ như Banana Gun - một dự án về Telegram Bot đã có mặt trên Uniswap từ ngày 14/9/2023 với mức giá khởi điểm là 5,7 USD. Tuy nhiên, phải đến tận 20/7/2024, dự án này mới được list Binance và có giá gần 80 USD.
Vậy nên những anh em nào mua và nắm giữ từ sớm thì sẽ hưởng lợi nhuận hơn 13 lần với khoản đầu tư này.
Thanh khoản thấp chính là một trong những yếu điểm của sàn DEX. Bởi tính khó tiếp cận, số lượng người dùng thấp, khả năng xử lý giới hạn,...nên khối lượng giao dịch, thanh khoản của loại sàn này thường không cao.
Thanh khoản thấp nên tỷ lệ trượt giá của DEX cũng sẽ cao hơn so với CEX, gây ra bất tiện cho nhà đầu tư.
Vì sàn DEX hoạt động dựa trên blockchain nên nó sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu mạng lưới này có vấn đề. Ví dụ như khi tắc nghẽn mạng với lượng lớn giao dịch cùng lúc thì phí gas và thời gian chờ đợi sẽ tăng. Trải nghiệm của users sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tuy nhiên không phải mạng lưới nào cũng thế, có những blockchain thế hệ mới có khả năng xử lý hàng trăm ngàn giao dịch trong 1 giây. Ví dụ như Solana có thể xử lý hơn 65.000 giao dịch cùng lúc. Vậy nên anh em cần quan tâm tới mạng lưới khi chọn DEX nữa nhé.
Hầu hết người dùng mới sẽ gặp khó khăn trong quá trình thao tác với sàn DEX. Bởi lẽ các nền tảng này có giao diện không thân thiện với người mới, đặc biệt có nhiều thuật ngữ chuyên sâu và chức năng khó hiểu.
Để tránh trường hợp “tiền mất tật mang” thì anh em phải trang bị một số kiến thức DeFi cơ bản như kết nối ví, pool thanh khoản, farming, swap, điều chỉnh slippage,...trước khi sử dụng.
Tuy không có nhiều phí ẩn như CEX nhưng trong 1 số trường hợp thì anh em dùng DEX phải trả nhiều tiền phí hơn.
Ví dụ khi số lượng giao dịch trên hệ sinh thái Ethereum tăng vọt làm gwei (đơn vị để đo lường phí gas) nhảy cào cào. Từ đó, phí gas phải trả có thể lên tới vài trăm thậm chí hàng nghìn USD.
Hầu như các sàn DEX không có hệ thống hỗ trợ khách hàng như chat trực tuyến, gọi điện thoại,...
Thay vào đó người dùng phải nhờ trợ giúp từ các kênh gián tiếp như Telegram, Discord,... Điều này khiến cho việc giải quyết vấn đề bị chậm đi đáng kể. Hầu như người dùng phải tự mình giải quyết và tự chịu trách nhiệm.
Sàn DEX hoạt động dựa trên các hợp đồng thông minh (smart contract). Vậy nên, nếu chúng có lỗ hổng bảo mật, người dùng có thể bị mất tài sản mà không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ hoặc đền bù.
Khác với DEX, khi có sự cố xảy ra thì người dùng của sàn CEX có khả năng được đền bù tương xứng.
Ví dụ như vụ phá sản của FTX, ngày 8/5/2024 vừa qua, kênh X chính thức của sàn này đã thông báo hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư.
Dù lựa chọn sàn CEX hay DEX thì yếu tố về uy tín và tính phổ biến phải được đặt lên hàng đầu.
Nếu sàn có khối lượng giao dịch lớn chứng tỏ nhiều người tin tưởng và chấp nhận sử dụng nền tảng đó. Không những thế, khi sàn có khối lượng giao dịch cao thì mức độ thanh khoản cũng sẽ tốt hơn.
Ngược lại, nếu anh em lựa chọn sàn có thanh khoản và khối lượng giao dịch kém thì rủi ro trượt giá, thời gian chờ đợi sẽ tăng lên rất nhiều.
Khi nhắc đến phí của sàn DEX, anh em cần phải để ý đến cả phí swap lẫn phí gas. Bởi vì các loại phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận cuối cùng của anh em.
Sau đây là bảng thống kê phí giao dịch của của một vài sàn DEX phổ biến nhất hiện nay, tính đến tháng 8/2024:
DEX | Blockchain | Phí |
Uniswap | Ethereum | 0.30% |
PancakeSwap | BNB Chain | 0.25% |
SushiSwap | Ethereum | 0.30% |
Curve Finance | Ethereum | 0.04% (stablecoin swaps) |
Aerodrome | Base | 0.30% |
Raydium | Solana | 0.25% |
Từ bảng trên anh em có thể thấy, đôi khi sàn công bố mức phí giao dịch bằng nhau (ví dụ như Aerodrome và Uniswap) nhưng khoản tiền mà anh em phải trả sẽ hoàn toàn khác. Bởi nó còn phụ thuộc vào phí gas của từng mạng lưới cũng như tùy vào các thời điểm giao dịch nữa.
Để kiểm tra độ an toàn và bảo mật, anh em có thể tìm hiểu xem smart contract của nền tảng đó đã được kiểm toán (audit) hay chưa? Và tổ chức thực hiện kiểm toán có uy tín không?
Ví dụ như Uniswap đã được kiểm toán bởi các công ty nổi tiếng như ConsenSys Diligence và OpenZeppelin. Đây đều là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kiểm toán smart contract, vậy nên, người dùng có thể yên tâm hơn khi sử dụng Uniswap.
Ngoài ra, anh em còn phải để ý xem DEX đó đã bị tấn công bao giờ chưa, nếu có thì nó có nghiêm trọng không và hướng giải quyết của sàn như thế nào?
Ví dụ như PancakeSwap đã từng gặp bị tấn công DNS vào tháng 3/2021 làm cho người dùng bị chuyển hướng đến các trang web độc hại. Ngay sau khi phát hiện sự cố, nền tảng này đã nhanh chóng thông báo cho người dùng và làm việc với các chuyên gia để ngăn ngừa cuộc tấn công. Nhờ phương án xử lý quyết đoán và nhanh chóng, đã không có thiệt hại trực tiếp nào về tiền bạc trong sự việc này.
Khi lựa chọn DEX, tính đa dạng cũng là yếu tố quan trọng mà anh em cần phải xem xét. Sự đa dạng này đến từ việc cung cấp nhiều cặp giao dịch, sản phẩm tài chính hay cho phép người dùng tham gia vào các chương trình staking và yield farming để kiếm thêm thu nhập.
Ví dụ như Jupiter - DEX đến từ hệ sinh thái Solana cung cấp cho chúng ta hơn 900 token khác nhau. Không những thế nền tảng này có các tính năng độc đáo như limit, DCA,... tương tự như một sàn CEX.
Các phiếu bầu sẽ có vai trò quyết định trong việc thay đổi định hướng và quy tắc của giao thức. Nếu không triển khai hợp lý thì quyền lực sẽ rơi vào tay của một cá nhân hoặc tổ chức nhất định. Từ đó làm giảm tính công bằng và phi tập trung của nền tảng.
Ví dụ như Uniswap cho phép những $UNI holders tham gia quá trình biểu quyết. Mỗi $UNI sẽ tương ứng với một phiếu bầu, do đó, phải có sự chấp thuận của cộng đồng thì nền tảng này mới được thực hiện thay đổi.
Uniswap là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) nổi tiếng bậc nhất thị trường Crypto. Theo thống kê từ DefiLlama, TVL của Uniswap đã đạt mốc 5,4 tỷ USD, chiếm tới 25% TVL của tất cả các DEX trên thị trường, tính đến ngày 27/7/2024.
Thật vậy, đội ngũ phát triển Uniswap luôn biết cách tập trung vào những lợi thế cốt lõi và mang tới cho người dùng Defi trải nghiệm tốt nhất. Ngoài hàng trăm cặp giao dịch, Uniswap V3 còn ra mắt tính năng mới mang tên “Multiple Fee Tiers” giúp các liquidity providers tối ưu hóa lợi nhuận.
Raydium là sàn DEX nổi bật trong hệ sinh thái Solana, cung cấp tới 1,580 đồng coin với hơn 32 nghìn cặp giao dịch.
TVL của DEX này đã lên tới con số 1,2 tỷ USD, trở thành dự án đứng thứ 4 về TVL hệ Solana, tính đến ngày 27/07/2024. Ngoài ra, nền tảng này còn cho phép nhà đầu tư kiếm thêm lợi nhuận thông qua tham gia staking và yield farming.
Pancakeswap là DEX hàng đầu BNB chain, hệ sinh thái phi tập trung có mối quan hệ mật thiết với Binance. Trong quá khứ, nhờ tận dụng được chi phí cực rẻ của BNB chain, PancakeSwap nhanh chóng tiếp cận người dùng và trở thành sàn DEX có khối lượng giao dịch lớn thứ ba chỉ sau Uniswap và Curve hồi tháng 5/2021.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại (27/7/2024), TVL của PancakeSwap đã giảm nhiều lần so với ATH, rớt từ 7,7 tỷ USD xuống mức 1,8 tỷ USD. Dẫu vậy đây vẫn là lượng TVL khủng đối với thị trường Crypto.
Ngoài Raydium thì Jupiter cũng là sàn giao dịch lớn trong hệ sinh thái Solana. Tính đến thời điểm hiện tại, Jupiter có hơn 247 tỷ USD volume giao dịch với số lượng traders lên tới 8,1 triệu. Đã có thời điểm, Jupiter đánh bại Uniswap vươn lên vị trí top 1 khối lượng giao dịch với giá trị 1,2 tỷ USD trong 24 giờ.
Ngoài tính năng swap như các sàn giao dịch khác, Jupiter còn cung cấp cho người dùng tính năng cần thiết khác như phái sinh, DCA, Launchpad,...
Trong hệ sinh thái Base, Aerodrome là sàn phi tập trung thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Riêng TVL của nền tảng này đã lên tới 645 triệu USD (1/8/2024), đồng nghĩa với việc chiếm hơn 1/3 tổng giá trị của toàn bộ hệ Base.
Theo thống kê của Dune, tổng khối lượng giao dịch Aerodrome tích lũy được lên tới 24 tỷ USD. Nhờ hoạt động theo cơ chế ve(3,3), Aerodrome mang lại cho người dùng thanh khoản cao, độ trượt giá thấp. Đồng thời cơ chế này cũng giúp những liquidity providers có thể tối đa hóa lợi nhuận một cách dễ dàng.
Centralized Exchange (viết tắt là CEX) là một sàn giao dịch tiền điện tử tập trung, nơi mà anh em có thể tham gia giao dịch các loại tài sản trong crypto như Bitcoin, Ethereum,...
Các sàn CEX này có vai trò như một người trung gian giúp hai bên mua và bán giao dịch dễ dàng hơn.
Nói chung, CEX và DEX đều là sàn để anh em tham gia vào mua bán, trao đổi tài sản. Tùy theo nhu cầu, mỗi người sẽ chọn nền tảng phù hợp nhất với bản thân. Và để dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, anh em có thể theo dõi bảng so sánh dưới đây:
Tiêu chí | CEX | DEX |
Thanh khoản | Cao | Trung bình |
Tốc độ giao dịch | Nhanh | Chậm hơn, phụ thuộc vào blockchain và số người tương tác ở thời điểm đó |
Quyền riêng tư | Thấp | Cao |
Hỗ trợ khách hàng | Có | Không hoặc rất ít |
Trải nghiệm người dùng | Đơn giản, thân quen | Khó tiếp cận với Newbie |
Phí giao dịch | Ở mức cao vì có nhiều phí ẩn | Ở mức trung bình, tùy theo giao thức và blockchain |
Quản lý tài sản | Sàn giao dịch | Người dùng tự quản lý |
Độ bảo mật | Trung bình | Cao |
Yếu tố rủi ro | Đến từ phía sàn | Đến từ smart contract hoặc thao tác users |
Bảng so sánh trên không phải lời khuyên đầu tư mà chỉ chỉ là thông tin tham khảo. Bởi vì trong thực tế sẽ còn nhiều biến số mình chưa thể liệt kê vào nội dung so sánh được. Ví dụ, thường thì CEX có thanh khoản cao hơn DEX, tuy nhiên, nếu anh em chọn phải sàn tập trung không uy tín thì thanh khoản và bảo mật còn tệ hơn cả sàn DEX ấy chứ.
Nhìn chung, ta có thể thấy CEX mang lại sự tiện lợi, tính thanh khoản cao và khả năng hỗ trợ khách hàng tốt, tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro về bảo mật và quyền kiểm soát tài sản. Ở chiều hướng ngược lại, DEX mang tới sự an toàn và quyền tự chủ cho người dùng nhưng users lại gặp phải hạn chế về tốc độ giao dịch, rủi ro trượt giá do thanh khoản thấp.
Vậy nên, việc hiểu rõ từng đặc điểm của các loại sàn giao dịch là điều cần thiết cho bất kỳ ai muốn tham gia đầu tư Crypto. Vừa rồi là những thông tin giúp anh em hiểu rõ hơn về sàn DEX. Cũng như giúp anh em phân biệt, lựa chọn lựa được sàn giao dịch uy tín nhất.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngại chia sẻ xuống dưới để mình và các thành viên trong cộng đồng TradeCoinVN giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập