Trong bối cảnh thị trường Crypto liên tục xuất hiện những trend và narrative mới, DePIN đã chứng minh được sức hấp dẫn rất lớn đối với cộng đồng và nhà đầu tư.
Không chỉ là một khái niệm công nghệ mới, DePIN có tiềm năng lớn để trở thành một trong những trend bùng nổ ở các chu kỳ tăng trưởng của thị trường Crypto giai đoạn tới. Vậy DePIN là gì? Nó giải quyết vấn đề gì và được ứng dụng như thế nào? Anh em hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
DePIN là viết tắt của "Decentralized Physical Infrastructure Networks" với nghĩa tiếng Việt là “Mạng cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung”, một khái niệm mới trong lĩnh vực Blockchain và Web3. Cụ thể hơn, DePIN dùng để chỉ những hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý, chẳng hạn như máy chủ, bộ nhớ lưu trữ, GPU, hạ tầng Internet, mạng di động,... được quản lý và điều hành bởi mạng lưới Blockchain phi tập trung.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện tại (30/8/2024) của tất cả các dự án trong mảng DePIN đạt 18,7 tỷ USD, dẫn đầu lần lượt là Filecoin (FIL), Render (RENDER), Arweave (AR),…
Thực ra lĩnh vực này không hề mới, các nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung như Filecoin hay Arweave đã hoạt động từ những năm 2020 đến nay. Điểm mới chính là tên gọi DePIN, một khái niệm dùng chung cho tất cả các dạng cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung khác nhau, không chỉ là lưu trữ dữ liệu.
Khái niệm DePIN lần đầu xuất hiện vào tháng 11/2022 khi Messari (công ty chuyên về research thị trường Crypto) tổ chức một cuộc bỏ phiếu trên X, nhằm chọn ra cái tên phù hợp nhất cho mạng cơ sở hạ tầng vật lý Web3.
Dựa trên những đề xuất được đưa ra và kết quả bỏ phiếu, DePIN là lựa chọn cuối cùng.
Mục tiêu của Blockchain là phi tập trung hóa bất cứ thứ gì có thể, trong trường hợp của DePIN, đó chính là hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý tập trung, đang bị chi phối và quản lý bởi các công ty lớn.
Các hệ thống này tồn tại những vấn đề nghiêm trọng mà chỉ có DePIN mới có thể khắc phục được, cụ thể như sau:
Sự phụ thuộc của các hệ thống cơ sở hạ tầng, tài nguyên vào một số công ty, tập đoàn luôn dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn. Chỉ cần trung tâm đầu não xảy ra sự cố lớn, toàn bộ hệ thống khả năng cao sẽ bị tê liệt, gây hậu quả nặng nề và rất khó để khắc phục.
Với DePIN, hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý và các tài nguyên được phân tán trên nhiều nút (node) mạng và trải rộng khắp toàn cầu. Nếu một hoặc một số node gặp sự cố thì hệ thống vẫn hoạt động bình thường. Mô hình này giảm thiểu đáng kể rủi ro và tăng cường độ tin cậy cho hệ thống. Mỗi node trong mạng lưới phi tập trung có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ, làm cho toàn bộ hệ thống trở nên bền vững hơn.
Ví dụ: Amazon Web Services (AWS), một dịch vụ đám mây tập trung được nhiều người dùng, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng để lưu trữ dữ liệu và chạy các ứng dụng. Mặc dù với quy mô của AWS thì khả năng bảo mật và backup sẽ rất tốt nhưng không có nghĩa là không thể bị bug & hack. Nếu máy chủ AWS bị tấn công, sự cố sẽ rất lớn và ảnh hưởng đồng thời đến hàng nghìn khách hàng.
Trong khi đó với giải pháp lưu trữ phi tập trung của Filecoin, dữ liệu được phân phối trên nhiều máy tính cá nhân (các node). Nếu một node trong mạng lưới Filecoin gặp sự cố, dữ liệu vẫn có thể được phục hồi từ các node khác.
Cơ chế quản lý tập trung vốn dĩ thiếu minh bạch, có thể dẫn đến các hành vi gian lận, gây lỗi hệ thống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo mật và để rò rỉ thông tin khách hàng. Ngược lại, đây lại là lợi thế của Blockchain phi tập trung với đặc tính cốt lõi là sự minh bạch và bảo mật cao.
Ví dụ: Về Equifax Data Breach, một vụ rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng của công ty này đã xảy ra vào năm 2017, sự việc đã bị che giấu và công ty cũng không có biện pháp khắc phục kịp thời dẫn đến để lộ thông tin nhạy cảm của hàng triệu người dùng. Vụ việc này phơi bày mặt trái của hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, đó là thiếu minh bạch và bảo mật kém.
Với việc lưu trữ tất cả dữ liệu vĩnh viễn và công khai trên Blockchain mà không cần phải tiết lộ thông tin của người dùng, Filecoin đảm bảo tính minh bạch và bảo mật vì các dữ liệu này không thể bị thay đổi hoặc xóa bỏ.
Các dịch vụ lưu trữ đám mây truyền thống như AWS, Google Cloud, Dropbox,... thường gặp khó khăn hoặc mất thời gian trong việc mở rộng quy mô do quá trình này đòi hỏi chi phí và kỹ thuật cao. DePIN với bản chất là mạng lưới phi tập trung, có thể tự động mở rộng quy mô khi có thêm nhiều người dùng hoặc tài nguyên tham gia vào mạng lưới.
Ví dụ, Filecoin đã thu hút được thêm nhiều người dùng tham gia và cung cấp bộ nhớ lưu trữ trong những năm gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc mạng lưới đã được mở rộng một cách tự động, không phụ thuộc vào một node đơn lẻ hay trung tâm quản lý nào.
Để duy trì, quản lý và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý tập trung thường rất tốn kém, cần nhiều nguồn lực, từ chi phí đầu tư đến chi phí vận hành và bảo trì. Từ đó kéo theo chi phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ tăng lên, gây thiệt thòi cho người dùng.
Giải pháp của DePIN là sử dụng mô hình kinh tế token để khuyến khích người dùng tham gia đóng góp tài nguyên, hạ tầng cho mạng lưới, trên cơ sở các bên đều có lợi. Qua đó làm giảm đáng kể chi phí so với cách vận hành của mô hình quản lý tập trung.
Ví dụ, dịch vụ Amazon S3 có giá khoảng 0.023$/GB/tháng cho 50TB đầu tiên, giảm dần cho các mức sử dụng cao hơn. Trong khi đó, người dùng chỉ phải trả cho Arweave khoảng 0.01$/GB 1 lần duy nhất để sử dụng dịch vụ suốt đời.
Dựa trên cách phân loại của Messari thì về tổng thể, DePIN được chia làm 2 loại chính:
Trong mỗi loại lại được chia thành các mảng con nhỏ hơn, cụ thể là:
PRNs
DRNs
Nhìn chung thì quy mô của nhóm DRNs đang lớn hơn so với PRNs, cả về số lượng các dự án cho đến hiệu quả tài chính. Thực tế cũng cho thấy những dự án thuộc nhóm DRNs thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng. Rõ ràng, chúng ta quen thuộc với những Filecoin, Render, Io.net, Bittensor (thuộc DRNs) nhiều hơn so với những XNET, Roam hay Geodnet (thuộc PRNs).
Hơn nữa, các Crypto VC cũng tập trung đầu tư nhiều hơn vào các dự án DRNs. Chẳng hạn, gần đây chúng ta có Io.net huy động được 30M$, với Aethir là 148M$, hay Grass với 4,5M$,…
Ở phía đối diện, mặc dù PRNs đang lép vế hơn nhưng các dự án thuộc nhóm này khá đa dạng, có lịch sử hoạt động lâu năm cũng như đã được ứng dụng trong thực tế.
Điển hình như Helium, tính đến cuối năm 2023, nó đã trở thành một mạng lưới toàn cầu với hàng triệu điểm truy cập được triển khai, phủ sóng ở nhiều quốc gia và khu vực. Helium cũng đã ký hợp tác với các công ty như Lime (cho dịch vụ chia sẻ xe điện) và nhiều dự án IoT khác.
Thay vì dựa vào một trung tâm duy nhất như các mô hình truyền thống, DePIN xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng vật lý thông qua mạng lưới phi tập trung. Trong đó, các node mạng chính là các máy tính, thiết bị cá nhân của người dùng ở khắp nơi trên thế giới, họ tham gia vào mạng DePIN để đóng góp tài nguyên và kiếm phần thưởng.
Cụ thể, các thành phần chính trong mô hình hoạt động của DePIN bao gồm:
Là những cá nhân, nhóm, công ty hoặc bất kỳ ai sở hữu nguồn cơ sở hạ tầng và tài nguyên nhàn rỗi. Họ có nhu cầu cho thuê để kiếm thêm lợi nhuận, thường chính là native token của nền tảng DePIN. Các token này được listing trên DEX và CEX, cho phép tự do mua bán.
Thông thường, để tham gia mạng DePIN và trở thành bên cung cấp, người dùng được yêu cầu stake một lượng token nhất định. Cơ chế này giúp hệ thống loại bỏ các bots và nhà cung cấp kém chất lượng.
Là những cá nhân, nhóm, công ty hoặc bất kỳ ai đang có nhu cầu sử dụng nguồn cơ sở hạ tầng và tài nguyên để phục vụ cho công việc của họ. Đó có thể là đào tạo AI, kết xuất đồ họa, lưu trữ dữ liệu,...
Người dùng sử dụng token của nền tảng DePIN để thanh toán cho các dịch vụ hạ tầng, tài nguyên cụ thể mà họ muốn thuê.
Có nhiệm vụ vận hành mạng lưới phi tập trung và nền kinh tế token một cách tự động. Đây là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán hạ tầng và tài nguyên giữa bên cho thuê và bên thuê.
DePIN mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn so với các hệ thống tập trung truyền thống, cụ thể:
Mặc dù DePIN mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng đi kèm với đó là những thách thức lớn, bao gồm:
Ví dụ điển hình trong phân khúc này có thể kể đến Helium, một mạng lưới phi tập trung dành cho các thiết bị IoT. Trong đó, các điểm truy cập (hotspot) hoàn toàn do cộng đồng cung cấp, chúng cho phép các thiết bị kết nối và truyền dữ liệu mà không cần phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ truyền thống.
Người dùng tham gia cung cấp hotspot nhận được phần thưởng bằng token HNT dựa trên mức độ phủ sóng, nghĩa là càng có nhiều người sử dụng dịch vụ mạng internet của Helium thì phần thưởng mang lại cho provider càng cao.
Filecoin là một hệ thống lưu trữ dữ liệu phi tập trung cho phép người dùng bán/cho thuê các không gian lưu trữ nhàn rỗi để kiếm được phần thưởng bằng token FIL. Filecoin mã hóa dữ liệu, sau đó phân phối chúng trên nhiều node trong mạng, giúp giảm chi phí lưu trữ và tăng cường bảo mật dữ liệu.
Power Ledger là một nền tảng phi tập trung cho phép giao dịch và quản lý năng lượng tái tạo. Mô hình DePIN của Power Ledger giúp người dùng giao dịch nguồn năng lượng mà không cần qua trung gian, nhằm giảm chi phí và tăng tính hiệu quả.
Cụ thể, người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể giao dịch năng lượng trực tiếp với nhau thông qua nền tảng Power Ledger. Các giao dịch này được ghi lại trên blockchain, cho phép theo dõi và xác thực một cách minh bạch, giúp tối ưu hóa việc phân phối và sử dụng năng lượng.
GeoDB là một nền tảng phi tập trung dành cho các dữ liệu về địa lý, bất kỳ ai cũng có thể tham gia chia sẻ, cung cấp thông tin về vị trí của họ. Các dữ liệu địa lý này được lưu trữ phân tán trên Blockchain, chúng không thể bị thay đổi hoặc làm giả, đảm bảo độ chính xác và tin cậy cao.
Meson Network là một mạng lưới Internet băng thông rộng, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng thông qua một mạng lưới phi tập trung. Khi tham gia vào Meson, người dùng có thể chia sẻ nguồn băng thông Internet nhàn rỗi của họ cho các bên có nhu cầu để nhận phần thưởng token MSN.
Với nền tảng và nguồn lực sẵn có, các mô hình DePIN sẽ tiếp tục phát triển và đổi mới để giải quyết những vấn đề cụ thể của từng ngành.
Ngoài các lĩnh vực phổ biến như lưu trữ dữ liệu, cung cấp sức mạnh tính toán và băng thông Internet, chúng ta sẽ sớm thấy DePIN được áp dụng nhiều hơn trong y tế, chăm sóc sức khỏe, dữ liệu bản đồ, giao thông và năng lượng.
Một khi đã chứng minh được tiềm năng ứng dụng, sự hợp tác giữa các dự án DePIN và các công ty, tổ chức truyền thống sẽ tăng lên. Điều này có thể dẫn đến sự ra đời của những mô hình kết hợp giữa hệ thống tập trung và phi tập trung để cùng nhau tối ưu hóa, mang lại hiệu quả cao hơn.
Về mặt pháp lý, các chính phủ và cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy định, chính sách hỗ trợ cho các mô hình DePIN. Qua đó xây dựng một môi trường pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án DePIN phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng DePIN sẽ được tích hợp công nghệ AI nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý và phân tích dữ liệu, cải thiện khả năng dự đoán. Từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Theo dự đoán từ các chuyên gia của Messari, giá trị vốn hóa thị trường DePIN dự kiến sẽ tăng trưởng lên mức 3,5 nghìn tỷ USD vào năm 2028, thậm chí có thể cao hơn nữa.
Filecoin là giải pháp lưu trữ dữ liệu phi tập trung nhằm thay thế cho các dịch vụ điện toán đám mây truyền thống như AWS hay Google Cloud. Filecoin cho phép người dùng lưu trữ và truy xuất dữ liệu trên một mạng lưới phân tán, minh bạch và bảo mật.
Những người cung cấp không gian lưu trữ nhận được phần thưởng bằng token FIL. Đồng thời, khách hàng sử dụng dịch vụ của Filecoin thanh toán phí bằng token FIL.
Là dự án hàng đầu về cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu phi tập trung, giá trị vốn hóa thị trường của FIL hiện đạt trên 2,1B$ (tại thời điểm viết bài 10/8/2024).
Render Network là một mạng lưới GPU phi tập trung, cung cấp sức mạnh tính toán để phục vụ cho render (kết xuất) đồ họa, phim ảnh và thực tế ảo (VR). Giải pháp mà Render mang lại giúp người dùng tiết kiệm đáng kể chi phí và vẫn đảm bảo được tính hiệu quả.
Render là một trong những dự án DePIN đi tiên phong, đồng thời nằm trong top đầu với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 2B$.
Đọc thêm: GPU Restaking là gì? Hướng đi mới cho các dự án DePIN
Theta Network là một nền tảng Blockchain phi tập trung được thiết kế để cải thiện và tối ưu hóa việc phân phối nội dung video trực tuyến. Dự án này nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực video trực tuyến như chi phí cao, hiệu suất không ổn định,...
Người dùng có thể đóng góp băng thông và tài nguyên máy tính để giúp phân phối nội dung video và nhận phần thưởng bằng token THETA. Là một dự án hoạt động từ năm 2018, THETA hiện đang duy trì mức giá trị vốn hóa thị trường trên 1B$.
Akash Network cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phi tập trung với khả năng mở rộng linh hoạt và chi phí thấp. Mục tiêu của dự án này là tạo ra một thị trường mở cho tài nguyên điện toán, nơi người dùng có thể mua và bán sức mạnh tính toán một cách dễ dàng, an toàn và minh bạch.
Các nhà cung cấp tài nguyên sức mạnh tính toán nhận được phần thưởng bằng token AKT. Trong khi đó, người dùng sử dụng token AKT để trả phí thuê tài nguyên tính toán từ các nhà cung cấp.
Hiện tại, AKT đang có mức giá trị vốn hóa thị trường khoảng 670M$.
Aethir là một nền tảng phân phối tài nguyên điện toán phi tập trung nhằm phục vụ cho các ứng dụng đòi hỏi tài sức mạnh tính toán cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Gaming và thực tế ảo (VR). Tương tự như các dự án DePIN khác, mục tiêu của Aethir là cung cấp tài nguyên điện toán với hiệu suất cao và chi phí thấp hơn so với các dịch vụ truyền thống.
Là một dự án mới ra mắt gần đây (tháng 6/2024), ATH hiện đạt mức giá trị vốn hóa thị trường khoảng 250M$.
io.net là dự án DePIN được xây dựng trên Solana, cung cấp sức mạnh tính toán GPU cho các mô hình AI và ML với chi phí thấp.
Tương tự như các nền tảng DePIN khác như Render Network hay Aethir, IO.net hoạt động như một thị trường GPU phi tập trung, nơi tổng hợp và phân phối tài nguyên sức mạnh tính toán. Tính đến giữa năm 2024, IO.net đã thu hút hơn 25,000 node mạng tham gia với gần 40,000 giờ tính toán.
Đặc biệt, Io.net là một trong số ít các dự án DePIN được listing trên nền tảng Binance Launchpool (dự án thứ 35).
Với ý tưởng độc đáo, DePIN không chỉ cải thiện hiệu quả và tính bảo mật cho hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển và đổi mới trong nhiều lĩnh vực.
Có thể nói, DePIN là một bước tiến quan trọng trong việc chuyển giao các mô hình quản lý, lưu trữ truyền thống sang môi trường phi tập trung. Khi công nghệ Blockchain ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi hơn, DePIN sẽ càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới kỹ thuật số toàn diện và hiệu quả.
Anh em đánh giá như thế nào về lĩnh vực DePIN? Liệu với tiềm năng đã được chứng minh, DePIN có thể trở thành trend lớn trong thị trường Crypto? Hãy comment ý kiến của anh em xuống phía dưới để trao đổi cùng cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập