Rất dễ để Bearish về ETH lúc này, ngay cả khi thị trường hồi phục mạnh vào cuối 2023 - đầu 2024 thì nó cũng tỏ ra khá “đuối” với hiệu suất rất kém so với BTC hay SOL. Hai sự kiện lớn là update Dencun và Ethereum ETF spot cũng không thể giúp giá ETH có sự đột phá.
Mặc dù vậy, sức mạnh của Ethereum là không thể xem thường, altcoin season vẫn đang ở phía trước và mọi thứ có thể sẽ sáng sủa hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Vậy chúng ta nên bearish hay bullish về ETH, và lý do cụ thể là gì? Anh em hãy cùng TradeCoinVN trao đổi về vấn đề này nhé! Bắt đầu nào!
Tâm lý Bearish về ETH là hoàn toàn dễ hiểu
Có nhiều ý kiến tranh luận về lý do đã, đang và sẽ tiếp tục khiến ETH hoạt động kém hiệu quả, bao gồm:
Bitcoin là "vàng kỹ thuật số" - narrative này rất đơn giản và dễ hiểu, đặc biệt là đối với những người dùng và các tổ chức mới. Ngược lại, narrative của Ethereum có phần phức tạp và ít phổ biến hơn, nó được gọi là "dầu kỹ thuật số", nhưng cách so sánh này có vẻ không hấp dẫn, không chính xác và khó hiểu.
SOL đang cho thấy hiệu suất đáng nể ở mùa này, từ tháng 9/2023 - tháng 3/2024, nó tăng giá hơn 1000%, vượt trội hoàn toàn so với ETH (tăng khoảng 173%). Thậm chí Solana đã vài lần vượt qua Ethereum về số lượng người dùng hoạt động và volume giao dịch hàng ngày. Mọi người bắt đầu so sánh giữa 2 đồng coin này và có thể chuyển hướng dần sang SOL.
Đối với một khoản đầu tư ưu tiên sự an toàn, BTC đương nhiên là lựa chọn hàng đầu. Còn nếu chấp nhận rủi ro để kiếm được lợi nhuận cao, SOL là lựa chọn tốt hơn với hệ sinh thái mạnh, vốn hóa thị trường thấp hơn và tiềm năng tăng trưởng lớn hơn ETH. Nói chung, Ethereum bị kẹt ở giữa và khiến nhà đầu tư phân vân, trong khi việc lựa chọn giữa BTC và SOL có vẻ dễ dàng hơn nhiều.
Có quá nhiều giải pháp Ethereum L2 xuất hiện khiến cho tính thanh khoản bị phân mảnh, làm phức tạp trải nghiệm người dùng. Vì lý do này, những người khó tính có thể sẽ không thích, thậm chí rời bỏ hệ sinh thái Ethereum.
Thay vì ETH, nhiều nhà đầu tư lựa chọn các token beta của các dự án L2 (ARB, OP,...), liquid staking (PENDLE, LDO,...), DEX (UNI, DYDX,...). Ngược lại, khi đầu tư vào Solana thì hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến SOL.
Sau update Dencun với nâng cấp EIP-4884, phí gas trên các L2 đã giảm rất nhiều, dẫn đến lượng ETH bị đốt cũng giảm tương ứng. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn cung ETH bắt đầu tăng dần từ giữa tháng 4 đến nay, chuyển từ trạng thái giảm phát thành lạm phát. Mặc dù tỷ lệ lạm phát ETH vẫn dưới 1%, nhưng chuyển biến này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Bên cạnh những lý do bearish vừa nêu, cũng có nhiều lập luận dẫn đến bullish dành cho ETH mà chúng ta sẽ thảo luận ngay sau đây.
Có nhiều lý do hơn để Bullish về ETH
Thật vậy, dù sao thì Ethereum vẫn là hệ sinh thái mạnh nhất hiện nay và vẫn luôn có những lý do để bullish về ETH.
Những lập luận ủng hộ từ phía cộng đồng
Từ một cuộc khảo sát của Ignas - một KOLs nổi tiếng trong mảng DeFi, cộng đồng đã chia sẻ 10 lý do quan trọng nhất khiến họ bullish ETH:
ETH gwei đã về dưới mức 20 kể từ tháng 3/2024 đến nay, nếu phí gas tiếp tục duy trì ở mức thấp như thế này, vấn đề về khả năng mở rộng của Ethereum coi như đã được giải quyết, biến nó trở thành một mạng lưới hiệu quả, hấp dẫn.
Bất kỳ ai cũng đều có thể tự stake ETH tại nhà, không yêu cầu số lượng tối thiểu, cơ sở hạ tầng hay kỹ thuật phức tạp. Điều này giúp dễ dàng thu hút thêm validator, làm tăng tính phi tập trung và bảo mật cho mạng lưới.
Ethereum sở hữu một cộng đồng rộng lớn các nhà phát triển có trình độ cao, nhờ đó mà nền tảng được nâng cấp, đổi mới liên tục để hoàn thiện về mọi mặt.
Ethereum từ lâu đã được coi là nền tảng smart contract hàng đầu, luôn duy trì được độ tin cậy và tính bảo mật cao, cho đến nay vẫn không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm.
Mặc dù tồn tại nhiều L2 nhưng khả năng tương tác giữa chúng đang được cải thiện từng ngày để giảm sự phân mảnh, nâng cao hiệu quả mạng lưới và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Sự chấp thuận các quỹ Ethereum ETF spot cho thấy các quy định pháp lý, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và EU đối với Ethereum đã rõ ràng hơn. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra niềm tin nơi nhà đầu tư, nhất là đối với các tổ chức tài chính lớn trong việc sử dụng mạng lưới và đầu tư vào ETH.
ETH chỉ đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn và dòng tiền khổng lồ từ các quỹ ETF sẽ trực tiếp giúp ETH sớm trở lại đường đua khi thị trường hồi phục.
Đối với những sản phẩm, dịch vụ quan trọng về RWA, các tổ chức lớn như BlackRock vẫn ưu tiên triển khai trên Ethereum. Trong mắt họ, nền tảng Blockchain này vượt trội và khác biệt hơn nhiều so với phần còn lại.
DeFi và stablecoin là những trụ cột quan trọng nhất của mỗi hệ sinh thái Blockchain. Ở cả 2 mảng này, Ethereum đang giữ vị thế độc tôn và luôn dẫn đầu thị trường trong suốt những năm qua.
Về cộng đồng và quy mô người dùng, Ethereum không kém cạnh Bitcoin, thậm chí còn sở hữu lượng “fan” trung thành đông đảo, luôn tự hào về những gì mà họ tin tưởng.
Ignas cũng đã tham khảo ý kiến của một vài KOLs nổi tiếng trong cộng đồng Ethereum, bao gồm Camila Russo, Founder của The Defiant (trang tin tức và phân tích sâu về Crypto) và Christine Kim, Researcher tại Galaxy (cung cấp các sản phẩm tài chính liên quan đến Crypto và Blockchain).
Camila Russo bullish về ETH dựa trên những lý do sau:
Hệ sinh thái DeFi mạnh mẽ: DeFi trên Ethereum (L1 & L2) hiện đang không có đối thủ, chiếm đến 68% trong tổng TVL của tất cả các chain. Với lượng thanh khoản khổng lồ và hàng nghìn dApp đang hoạt động, Ethereum sẽ thu hút nhiều người dùng hơn nữa, đẩy phí gas lên cao và sẽ có nhiều ETH hơn bị đốt.
Bảo mật và phi tập trung: Mức độ phi tập trung và tính bảo mật cao của Ethereum đã chiếm được niềm tin của các tổ chức lớn trên thế giới. BlackRock với quỹ BUIDL, PayPal với PYUSD, JPmorgan, Santander và các ngân hàng lớn khác cũng đang thử nghiệm thanh toán Blockchain và mã hóa trên Ethereum,... Tầm ảnh hưởng của các công ty, tổ chức truyền thống lớn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giá cả ETH.
Ethereum ETF spot: Bên cạnh BTC, các nhà đầu tư tổ chức tại Hoa Kỳ hiện đã có thể tiếp cận ETH thông qua các quỹ Ethereum ETF spot, chắc chắn đây là yếu tố quan trọng để Bullish ETH dài hạn.
Trong khi đó, Christine Kim nhấn mạnh đến hiệu ứng mạng lưới của Ethereum:
Tôi nghĩ một trong những lợi thế chính của Ethereum so với các đối thủ cạnh tranh là hiệu ứng mạng lưới. Ethereum là Blockchain có giá trị thực tiễn và lịch sử hoạt động lâu đời nhất, đồng thời có sự tham gia của nhiều nhà phát triển nhất, những điều này tạo nên giá trị của mạng lưới.
Ethereum là nơi an toàn để lưu trữ tài sản
Nếu so với Solana, Ethereum là lựa chọn tốt hơn để lưu trữ tài sản trong dài hạn. Trong khi Solana nhiều lần gặp sự cố ngừng hoạt động thì Ethereum đã chứng minh độ tin cậy trong nhiều năm qua và chưa bao giờ xảy ra tình trạng tương tự.
Khi xu thế RWA bùng nổ, Blockchain Ethereum cũng là lựa chọn hàng đầu để mã hóa tài sản thực. 73% trong số tất cả các trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ (US Treasuries) đều được mã hóa trên Ethereum, chỉ một phần nhỏ còn lại trên Stellar, Solana và Mantle.
Ngoài ra, các giao thức RWA trên Ethereum đang chiếm phần lớn thị phần với khoảng 78% TVL của tất cả các chain. Hầu hết tài sản mà các giao thức RWA hàng đầu như Maker RWA, Tether Gold, Ondo Finance,... đang quản lý chủ yếu đang nằm trên mạng Ethereum.
Tóm lại, nếu thích memecoin, anh em có thể chọn Solana, nhưng để mã hóa hàng tỷ USD RWA, Ethereum mới là nơi an toàn nhất.
Luôn có phương án để giải quyết vấn đề của L2
Mặc dù có khá nhiều L2 ra đời và trông có vẻ thừa thãi, tuy nhiên chúng là các giải pháp dài hạn và rất quan trọng. Các L2 có thể được triển khai cho nhiều mục đích cụ thể khác nhau để giải quyết từng nhu cầu riêng biệt, ví dụ: Một L2 dành riêng cho DeFi và một L2 khác cho Web3 Gaming.
Vấn đề phân mảnh thanh khoản và trải nghiệm người dùng (UX) tồi tệ trên hệ sinh thái Ethereum xảy ra là do quá phụ thuộc vào các cầu nối (bridges), tuy nhiên nó chỉ là tạm thời.
Catalyst AMM là ví dụ về một giải pháp hiệu quả để khắc phục vấn đề này, cho phép thực hiện các “atomic swaps” giữa các L2. Trong đó, atomic swaps (hoán đổi nguyên tử) là những giao dịch chuyển đổi tài sản trực tiếp giữa các chain, không cần sử dụng đến bridge.
Ngoài ra, chính các L2 cũng đang tự nỗ lực để cải thiện tình hình.
Chẳng hạn, Optimism đang tích hợp ERC-7683 (tiêu chuẩn mới dành cho các giao dịch cross-chain) để tăng khả năng tương tác trong Superchain và với các Ethereum L2 khác. Nếu thành công, tất cả các L2 trong hệ sinh thái Optimism sẽ thành một thể thống nhất, tất cả như một, loại bỏ hoàn toàn sự phân mảnh.
Chính Vitalik cũng tin rằng “mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy khả năng tương tác cross-chain giữa các L2 sẽ không còn là vấn đề nữa và chúng ta sẽ có được trải nghiệm mượt mà trên toàn bộ ethereum-verse (bao gồm L1, rollups, validiums, thậm chí cả sidechain)”
Tuy vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến L2 không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trong ngắn hạn, Ethereum có một sự kiện khác để bullish, đó là bản nâng cấp Pectra vào đầu 2025.
Update Pectra là chất xúc tác cho ETH ở giai đoạn tiếp theo
Dự kiến triển khai vào Q1/2025, update Pectra là cột mốc quan trọng tiếp theo của Ethereum, nhưng có vẻ như nó lại ít được chú ý hơn so với những bản nâng cấp trước đây.
Cụ thể, Pectra tập trung cải tiến những khía cạnh sau:
Account Abstraction: Tối ưu cách xử lý tài khoản nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng, đây là một trong những thay đổi lớn nhất mà Pectra mang lại. Hiện tại, việc quản lý ví Crypto khá phức tạp, bao gồm nhiều bước từ ký giao dịch đến quản lý phí gas. Với tính năng Account Abstraction, Pectra giúp đơn giản hóa toàn bộ quy trình này.
Staking: Tăng giới hạn số lượng ETH stake cho mỗi validator từ 32 ETH lên 2048 ETH, từ đó giảm số lượng validator và giảm tải cho mạng lưới. Ngoài ra, hàng đợi stake ETH sẽ được rút ngắn từ hàng giờ đồng hồ xuống chỉ còn vài phút.
Khả năng mở rộng và tính phi tập trung: Giới thiệu PeerDAS, một tính năng mới giúp phí gas trên L2 tiếp tục giảm xuống. Cùng với Verkle Trees Transition (EIP-6800) giúp các node dễ dàng tham gia vào mạng hơn, tăng cường đáng kể tính phi tập trung.
Rõ ràng là những cải tiến mà Pectra mang lại rất đáng chú ý, nhưng cộng đồng lại đang đánh giá thấp nó, có thể Pectra sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi thị trường hồi phục trong những tháng tiếp theo.
Tổng kết
Dù đang gặp nhiều thách thức, từ việc phải cạnh tranh với các Blockchain L1 khác, đến những vấn đề phức tạp của L2, Ethereum vẫn giữ vững vị thế nhờ hệ sinh thái mạnh và sự hỗ trợ từ cộng đồng đông đảo các nhà phát triển.
Trong dài hạn, khả năng cao Ethereum vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường Crypto. Vì vậy, dù có nhiều lý do để bearish về ETH nhưng chỉ là trong ngắn hạn và nó sẽ sớm kết thúc, tiềm năng dài hạn của ETH vẫn đáng để chúng ta bullish, nhất là khi thị trường hồi phục trở lại.
Anh em đang bearish hay bullish về ETH? Liệu ETH sẽ sớm trở lại đường đua hay tiếp tục gây thất vọng cho các nhà đầu tư? Hãy comment ý kiến của anh em xuống phía dưới để trao đổi cùng cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Bình luận
Đăng nhập