Cho đến nay, vẫn chưa có hệ sinh thái blockchain nào có thể vượt qua Ethereum. Mặc dù vậy, công nghệ luôn luôn tiến hóa và blockchain cũng không ngoại lệ. Với khả năng mở rộng mạnh mẽ, Solana đang là ứng viên sáng giá nhất để xứng đáng được xem là “ETH killer”.
Nhưng với hàng nghìn blockchain đang hoạt động, Ethereum còn có rất nhiều đối thủ đáng gờm khác nữa. Vậy cái tên nào có tiềm năng nhất để trở thành "Solana tiếp theo"? Anh em hãy cùng TradeCoinVN đi tìm câu trả lời thông qua bài viết sau đây nhé!
Solana gây ấn tượng mạnh khi vẫn tiếp tục giữ vững vị thế top đầu, dù đây là blockchain còn rất non trẻ so với Ethereum và nhiều dự án khác.
Chính thức được ra mắt vào tháng 3/2020, Solana là một trong những blockchain thế hệ mới nổi bật nhờ khả năng xử lý giao dịch cực nhanh và chi phí gần như bằng không, trở thành nền tảng L1 hàng đầu trong hệ sinh thái blockchain hiện nay.
TPS (tốc độ xử lý giao dịch trên giây) của Solana có thể đạt đến 65.000, cao hơn rất nhiều so với Ethereum (30 TPS), Cardano (250 TPS) hay Polkadot (1000 TPS).
Sự vượt trội này có được nhờ cơ chế đồng thuận Proof of History (PoH) độc đáo, giúp Solana xây dựng một cơ sở hạ tầng blockchain với khả năng bảo mật ở cấp độ cao, cùng với tốc độ giao dịch vượt trội so với nhiều đối thủ.
Nhờ vậy, Solana đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều dApp trên các lĩnh vực then chốt như DeFi, NFT và Gaming, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của hệ sinh thái Web3.
Tuy nhiên, Solana vẫn tồn tại một số nhược điểm dù đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Nền tảng này thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề về tắc nghẽn mạng và sự cố gián đoạn. Kể từ khi mainnet cho đến nay, đã có không dưới 10 lần mạng Solana phải tạm ngưng hoạt động.
Những sự cố này gây ra lo ngại về tính ổn định và khả năng mở rộng lâu dài của Solana, đặc biệt khi lưu lượng giao dịch và số lượng dApp tăng trưởng mạnh. Mặc dù Solana đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng để tiếp tục mở rộng hệ sinh thái, nhưng việc giải quyết vấn đề đang gặp phải vẫn là nhiệm vụ hàng đầu.
Hơn hết, sự cạnh tranh trong lĩnh vực blockchain ngày càng khốc liệt khi nhiều dự án mới nổi lên với tham vọng lớn, không thua gì Solana.
Những dự án blockchain mới này đang tập trung vào việc phát triển các cơ chế đồng thuận cũng như công nghệ tiên tiến và sáng tạo hơn, có thể tối ưu hóa khả năng mở rộng và giảm đáng kể phí giao dịch, đồng thời tích hợp sâu hơn vào ứng dụng thực tiễn trong đời sống.
Hay nói cách khác, đối thủ của Solana không chỉ được cải thiện về mặt kỹ thuật mà còn có khả năng ứng dụng cao, dễ dàng thu hút người dùng với các giải pháp sáng tạo hơn. Sự xuất hiện của chúng đang tạo ra áp lực lớn cho Solana. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng xem đó là những cái tên nào nhé!
Sui được thành lập bởi các cựu thành viên chủ chốt của Diem (trước đây là Libra) - một dự án blockchain được Facebook (nay là Meta) phát triển.
Sui có nhiều tính năng độc đáo, giúp nó nổi bật trong hệ sinh thái blockchain hiện tại. Một trong những điểm khác biệt lớn của Sui so với các L1 khác là khả năng xử lý giao dịch song song (thay vì tuần tự). Điều này cho phép Sui xử lý nhiều giao dịch cùng lúc, giúp mở rộng mạng lưới một cách hiệu quả trong mọi trường hợp.
Đây là một cải tiến quan trọng, giúp Sui đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của người dùng mà vẫn đảm bảo không bị nghẽn mạng như nhiều L1 khác.
Đọc thêm: Tổng quan sức nóng hệ Sui: Tiềm năng tăng trưởng trong Q4/2024
Ngoài ra, Sui sử dụng ngôn ngữ lập trình Move, cùng hệ thống đồng thuận Narwhal và Bullshark, không chỉ tăng tốc quá trình xử lý giao dịch mà còn đảm bảo rằng dữ liệu luôn có sẵn để xác minh một cách an toàn.
Với các tính năng nổi bật, Sui có tiềm năng trở thành một trong những blockchain dẫn đầu trong tương lai, đáp ứng mọi nhu cầu về khả năng mở rộng, tính bảo mật và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Giống với Sui, Aptos cũng được thành lập bởi các cựu thành viên chủ chốt của dự án Diem trước đây.
Về cơ bản, công nghệ của Aptos tương tự như Sui, cùng sử dụng ngôn ngữ lập trình Move và kiến trúc độc đáo cho phép xử lý các giao dịch song song, mang lại hiệu suất cao hơn và giữ được sự ổn định của mạng.
Điểm khác lớn nhất so với Sui là Aptos sử dụng cơ chế đồng thuận Byzantine Fault Tolerance (BFT) (thay vì Narwhal và Bullshark của Sui), cho phép nó xác nhận các giao dịch nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến tính bảo mật.
Bên cạnh việc sở hữu nền tảng công nghệ mạnh mẽ, Aptos cũng tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm cho các nhà phát triển, với mục tiêu tạo ra một nền tảng an toàn, dễ sử dụng và dễ bảo trì.
Cardano là một dự án khá lâu đời, nổi bật với việc áp dụng các nghiên cứu học thuật vào quá trình xây dựng và phát triển blockchain. Cardano sử dụng cơ chế đồng thuận Ouroboros PoS, cơ chế này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn được thiết kế để xử lý giao dịch nhanh chóng với phí gas thấp.
Có lẽ điểm hạn chế lớn nhất của Cardano là tốc độ phát triển khá chậm do phương pháp tiếp cận thận trọng, mọi thứ luôn được tính toán kỹ lưỡng và kiểm duyệt khắt khe. Nhưng đổi lại, Cardano có quyền tự hào là một trong những nền tảng blockchain an toàn và phi tập trung nhất, có khả năng mở rộng linh hoạt và bảo mật cao.
Đặc biệt, giải pháp mở rộng Hydra của Cardano hứa hẹn sẽ có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây, đặt nền móng giúp Cardano trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Solana trong tương lai.
TON blockchain được phát triển bởi chính đội ngũ Telegram. Một trong những điểm nổi bật của TON là việc sử dụng công nghệ sharding, cho phép phân chia blockchain thành các chuỗi nhỏ hơn để xử lý khi cần thiết.
Đọc thêm: TON hợp tác chiến lược với Mocaverse, cú hích lớn cho hệ sinh thái Web3
Mục tiêu chính của dự án này là hỗ trợ các ứng dụng Web3 quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực như lưu trữ phi tập trung, hệ thống tên miền (DNS) và thanh toán vi mô. Nhờ tệp user khổng lồ có sẵn từ ứng dụng nhắn tin Telegram, TON sở hữu nền tảng vững chắc để phát triển và mở rộng thị trường nhanh chóng, điều mà nhiều blockchain khác không có được.
Fantom ra mắt cũng thời với Solana, và cũng đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình như một trong những blockchain hàng đầu. Fantom sử dụng giao thức đồng thuận Lachesis và kiến trúc DAG độc đáo, cho phép nó đạt được tốc độ giao dịch gần như ngay lập tức với hiệu suất hoạt động cao.
Đặc biệt, bản nâng cấp SONIC sắp tới dự kiến sẽ củng cố thêm vị thế của Fantom. Bản nâng cấp này sẽ cải thiện khả năng xử lý của mạng, giảm thiểu độ trễ và nâng cao hơn nữa hiệu suất của nền tảng.
SONIC hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Fatom, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn đối với cả nhà phát triển lẫn người dùng, giúp tăng sức cạnh tranh với các blockchain hàng đầu khác như Solana.
Tóm lại, mặc dù Solana hiện đang dẫn đầu cuộc đua “ETH killer” nhờ tốc độ cao và phí giao dịch thấp, nhưng không thể phủ nhận rằng lĩnh vực blockchain đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Các dự án như Sui, Aptos, hay TON với những cơ chế đồng thuận mới, kiến trúc độc đáo và đi đầu sự đổi mới đang vươn lên rất mạnh mẽ.
Mỗi dự án đều mang đến những giá trị riêng biệt, khiến chúng trở thành những ứng viên hàng đầu của thế hệ “Solana tiếp theo.” Do đó, sự tiến bộ trong công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường là các yếu tố quyết định đâu sẽ là dự án xứng đáng giành chiến thắng.
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập