Tài chính truyền thống (TradFi) đã được hình thành qua nhiều thế kỷ và hiện nay đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. TradFi đã và đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta, từ ngân hàng, bảo hiểm cho đến khía cạnh về đầu tư.
Theo dữ liệu từ Liên đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE) và Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (SIFMA), tổng giá trị vốn hóa của các thị trường cổ phiếu trên toàn cầu đã lên tới 109 nghìn tỷ USD. Con số ấn tượng trên lại một lần nữa khẳng định vị thế chủ chốt của TradFi.
Tuy nhiên, những năm gần đây có một xu hướng mới đang nổi lên và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đó chính là tài chính phi tập trung (DeFi). Điều này đặt ra một vấn đề là liệu hệ thống tài chính lâu đời TradFi có thể bị DeFi đánh bại không? Hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Đầu tiên anh em cần phải hiểu rõ TradFi là từ viết tắt của Traditional finance. Khái niệm này chỉ hệ thống tài chính truyền thống hoạt động dựa trên quy định của chính phủ hoặc các cơ quan quản lý như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí,…
Ví dụ các ngân hàng như Agribank, Techcombank,... cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiết kiệm, cho vay, và chuyển tiền. Khi này họ sẽ đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc quản lý tài sản cá nhân và doanh nghiệp.
Các công ty bảo hiểm như Prudential Việt Nam và Bảo Việt cũng là một thành phần ở trong tài chính truyền thống. Đối với những anh em tham gia đầu tư thì các Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE và HNX) hay công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Dragon Capital…cũng thuộc hệ thống TradFi.
TradFi bao gồm rất nhiều thành phần, tuy nhiên, anh em chỉ cần chú ý đến các đối tượng chính dưới đây.
Là các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ gửi tiền và cho vay. Trong hệ thống TradFi, ngân hàng là nơi trung gian huy động vốn từ cá nhân và doanh nghiệp, sau đó cấp tín dụng để hỗ trợ hoạt động tiêu dùng hoặc sản xuất.
Ví dụ Ngân hàng Vietcombank cung cấp dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm, cho vay tiêu dùng và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp.
Thị trường này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng để các doanh nghiệp huy động vốn công chúng và cho phép nhà đầu tư kiếm lời từ việc giao dịch. Ví dụ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cung cấp thông tin và cho phép nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu.
Là các công ty chuyên quản lý và đầu tư tài sản cho khách hàng. Vai trò của họ là lựa chọn sản phẩm tài chính giúp các cá nhân có lợi nhuận tối ưu nhất. Ví dụ như Dragon Capital cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho cá nhân và tổ chức. Bao gồm các quỹ đầu tư chứng khoán, bất động sản,...
Là các công ty cung cấp sản phẩm với mục đích bảo vệ tài chính cá nhân và doanh nghiệp trước những rủi ro bất ngờ. Hiện nay (1/9/2024) đang có rất nhiều loại bảo hiểm khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng.
Ví dụ như Bảo hiểm nhân thọ phòng trường hợp người được bảo hiểm qua đời. Hay bảo hiểm xe cộ khi có tai nạn giao thông hoặc các sự cố liên quan đến phương tiện.
TradFi đã luôn được biết đến nhờ sự đa dạng và tính ổn định của các sản phẩm tài chính.
Nếu so sánh về độ đa dạng thì cả CeFi và DeFi chưa thể đọ lại TradFi được. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường crypto cũng đã có một số giải pháp như RWAs, Lending, Staking,...để giải quyết vấn đề này.
Khả năng tiếp cận cao của TradFi được thể hiện qua sự chấp nhận rộng rãi bởi nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Điều này bắt nguồn từ sự giám sát và quy định chặt chẽ của các cơ quan quản lý, từ đó tạo được độ tin cậy đối với người dùng.
Hay nhờ mạng lưới dày đặc của các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng với hàng nghìn chi nhánh trên cả nước và rất nhiều cây ATM, POS ở khắp mọi miền.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận cao còn đến từ việc liên kết với các dịch vụ công cộng và kinh tế khác như thanh toán hóa đơn, trả lương,… Điều này góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính mà người dùng chỉ cần vài cái chạm trên màn hình smartphone là thực hiện thành công.
Điều quan trọng nhất chính là các tổ chức tài chính truyền thống đều được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Mọi thông tin quan trọng về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, các rủi ro tiềm ẩn,...đều phải báo cáo định kỳ. Còn chưa kể cơ quan quản lý sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất và ra biện pháp xử phạt nghiêm khắc cho những hành vi sai phạm.
Điều này không chỉ để bảo vệ tài sản và gia tăng sự tin tưởng của người dân mà còn ngăn ngừa các rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính. Từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia.
Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp quản và đưa Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, chính phủ đã thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Hay ở Mỹ, cơ quan FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation) có vai trò bảo hiểm các khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng lên đến 250.000 USD.
Các tổ chức tài chính có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách kinh tế của chính phủ.
Ví dụ khi quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Ngân hàng Trung ương sẽ thu mua trái phiếu chính phủ hoặc giảm lãi suất để kích thích chi tiêu. Từ đó, các ngân hàng thương mại có thể cung cấp khoản vay dễ dàng hơn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Sau đó, người dân có xu hướng đầu tư vào thị trường tài chính nhiều hơn. Đây cũng là lý do tại sao nhiều anh em crypto lại mong chờ quyết định giảm lãi suất của FED trong năm 2024 đến thế.
Anh em có thể đọc bài viết này để hiểu thêm về tầm quan trọng của việc nới lỏng chính sách tiền tệ đối với thị trường crypto: 6 động lực giúp thị trường Crypto bùng nổ mạnh mẽ cuối năm 2024
Hiện nay (tháng 9/2024), vẫn còn nhiều dịch vụ tài chính truyền thống yêu cầu người dùng phải thực hiện giao dịch trong giờ hành chính và tại các chi nhánh, văn phòng cụ thể. Điều này gây khó khăn cho những người có lịch trình bận rộn hoặc sống ở các khu vực xa xôi.
Trong hệ thống tài chính truyền thống, quyền lực thường tập trung vào một nhóm người nhỏ hoặc tổ chức cụ thể. Ngoài ra, thiếu minh bạch cũng là một nhược điểm rất lớn của hệ thống TradFi. Bởi hầu như chỉ có số ít người có quyền hạn nắm thông tin, điều này dẫn đến các vấn đề vô cùng nghiêm trọng như tham nhũng, thao túng,…
Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, một số ngân hàng tại Mỹ đã thực hiện các hoạt động cho vay rủi ro cao mà không công khai đầy đủ thông tin tới khách hàng.
TradFi có thể không phục vụ tất cả mọi người vì hạn chế về địa lý hay phí dịch vụ cao. Đặc biệt, TradFi rất khó tiếp cận đối với những người thiếu hồ sơ tín dụng hoặc không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về tài sản.
Ví dụ, ngân hàng Techcombank yêu cầu sản phẩm “tiền gửi rút gốc linh hoạt” tại quầy phải có số tiền tối thiểu từ 20 triệu đồng trở lên. Điều này có thể là một rào cản cho những người có thu nhập thấp, hoặc các bạn học sinh, sinh viên.
Nếu thực hiện giao dịch quốc tế thì thời gian xử lý thường kéo dài tương đối lâu (1-3 ngày). Không những vậy, khi chuyển tiền quốc tế, anh em còn phải trải qua các thủ tục phức tạp và vô vàn loại phí lớn nhỏ khác nhau. Hiện nay mức phí này thường giao động từ 0,15-0,2% giá trị giao dịch.
Ví dụ, nếu anh em chuyển 10.000 USD cho người thân, số phí anh em phải trả sẽ là 20 USD. Nếu chuyển nhiều hơn thì số tiền phí còn lớn hơn nữa.
Còn với hệ thống DeFi thì hoàn toàn khác. Anh em chỉ cần trả một khoản phí nhất định, thường là rất rẻ. Đối với các layer 2 như ZKsync hay Starknet, dù anh em có chuyển 10.000 hay thậm chí 50.000 USD thì khoản phí anh em phải trả cũng chỉ vỏn vẹn 0,04-0,6 USD tại thời điểm viết bài ngày 1/9/2024.
Dành cho anh em nào chưa biết thì CeFi (Centralized Finance) là tài chính tập trung, nơi các dịch vụ được quản lý và cung cấp bởi tổ chức trung gian như Binance, OKX, Bybit,...
Còn DeFi (Decentralized Finance) là tài chính phi tập trung. Nó hoạt động dựa trên smart contract (hợp đồng thông minh) mà không cần đến sự tham gia của bên thứ ba. Từ đó đảm bảo sự minh bạch do các thông tin đều được ghi chép cẩn thận trên blockchain.
Để có cái nhìn toàn cảnh, cũng như dễ dàng so sánh các hệ thống tài chính, anh em hãy theo dõi bảng dưới đây:
Tiêu chí | TradFi | CeFi | DeFi |
Quản lý bởi | Tổ chức tài chính
| Nền tảng tập trung
| Hợp đồng thông minh |
Dịch vụ | Ngân hàng, đầu tư,... | Giao dịch, cho vay,.. | Giao dịch, cho vay,.. |
Minh bạch | Thấp | Trung bình | Cao |
Bảo mật | Trung gian, rủi ro | Trung gian, rủi ro | Không trung gian |
Khả năng truy cập | Có giới hạn | Dễ tiếp cận | Toàn cầu |
Chi phí giao dịch | Cao | Trung bình | Thấp |
Độ tin cậy | Cao | Trung bình | Trung bình |
Đổi mới | Chậm | Trung bình | Nhanh |
Tất nhiên đây chỉ là các yếu tố tham khảo. Ví dụ như các đặc điểm bảo mật, chi phí và độ tin cậy có thể thay đổi dựa trên uy tín cũng như quy mô của tổ chức/nền tảng anh em lựa chọn.
Vậy nên, việc nghiên cứu và đánh giá thật kỹ lưỡng là điều vô cùng cần thiết để tránh xảy ra những rủi ro không đáng có trong quá trình giao dịch.
Từ khi DeFi ra đời, chỗ đứng của TradFi đã bị ảnh hưởng phần nào. Nếu so sánh thì DeFi mang đến các giải pháp công nghệ tiên tiến, sản phẩm dịch vụ đa dạng giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và giảm chi phí đáng kể.
Điều này khiến cho các tổ chức TradFi hao hụt dần khách hàng, từ đó doanh thu cũng bị giảm sút. Nếu không đưa ra các giải pháp tân tiến phù hợp, trong dài hạn, TradFi có thể mất vị thế dẫn đầu của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Để giảm thiểu khả năng này xảy ra, các tổ chức tài chính truyền thống cần phải nhanh chóng áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời hợp tác với các dự án DeFi để tận dụng lợi thế của blockchain. Chỉ bằng cách này, TradFi mới có thể duy trì được vai trò của mình trong bối cảnh ngành tài chính & công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Hiện nay (1/9/2024) đã có một số tổ chức tài chính hàng đầu sử dụng công nghệ blockchain để mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng. Ví dụ như VISA - công ty thanh toán hàng đầu thế giới đã hợp tác với Circle để sử dụng USDC trong các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Hay PayPal, một trong các công ty fintech lớn nhất thế giới, đã hợp tác với Paxos cho ra mắt một stablecoin mang tên PayPal USD (PYUSD). Tính tới tháng 09/2024, PYUSD đang đứng top 5 stablecoin có vốn hóa lớn nhất thị trường Crypto.
Trên đây là một số thông tin về TradFi - hệ thống tài chính truyền thống với bề dày lịch sử và sức ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, bài viết này cũng nêu rõ những thách thức mà TradFi phải đối mặt khi thị trường tài chính đang liên tục đổi mới, nâng cấp. Việc hiểu rõ các ưu, nhược điểm của hệ thống này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện. Từ đó đưa ra các quyết định thông minh và phù hợp nhất để bảo vệ cũng như gia tăng tài sản cá nhân.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, anh em hãy chia sẻ quan điểm bên dưới và cùng thảo luận với mình và các thành viên trong cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập