Ngày 03/10/2024, Grayscale Investments - tổ chức quản lý tài sản hàng đầu thế giới đã thông báo ra mắt quỹ đầu tư Aave Trust, trực tiếp kết nối các investor truyền thống với AAVE (native token của giao thức Aave).
Đây có thể nói là một bước tiến lớn, đưa Aave chính thức trở thành nền tảng Lending top #1 hiện nay, bỏ xa các đối thủ “sừng sỏ” khác như Maker, JustLend hay Compound.
Làm thế nào mà Aave đạt được sự thành công như ngày hôm nay? Anh em hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Khi DeFi đang dần thay thế TradFi (tài chính truyền thống), Aave đã chứng minh rằng để một dự án tồn tại lâu dài, không chỉ phụ thuộc vào lợi thế đi tiên phong, một ứng dụng nổi bật hay mức lãi suất hấp dẫn.
Aave phát triển mạnh mẽ nhờ xây dựng niềm tin từ cộng đồng, không ngừng đổi mới và ưu tiên các khoản lãi suất điều chỉnh theo rủi ro với sự ổn định.
Aave là giao thức cung cấp thanh khoản chính của hệ sinh thái Ethereum. Sau 7 năm kể từ khi EthLend (tên gọi trước đây của Aave) ra đời, tính đến ngày 18/10/2024, Aave đã trở thành một “gã khổng lồ” với hơn 20 tỷ USD được gửi vào, 8,5 tỷ USD khoản vay và 193 tỷ USD volume giao dịch.
Aave hiện là giao thức Lending lớn nhất thị trường Crypto với TVL đạt trên 13 tỷ USD, bỏ xa Maker (6 tỷ USD), JustLend (4,6 tỷ USD) và Compound (2 tỷ USD), theo dữ liệu từ DefiLlama.
Nếu xét trên tổng thể hệ sinh thái DeFi, Aave chỉ xếp sau Lido Finance - giao thức Liquid restaking hàng đầu trên Ethereum.
TVL của Aave đã bứt phá mạnh gần đây, tăng 1400% trong 7 ngày và 16% trong 1 tháng qua. Giai đoạn tăng trưởng này trùng khớp với thời điểm tin tức quan trọng về Aave Trust được tung ra (3/10/2024).
Aave hiện diện trên 13 chain khác nhau, với nhiều thị trường khác nhau trên mỗi chain, mỗi thị trường đều được tùy chỉnh cho các trường hợp sử dụng, đối tác hoặc loại tài sản cụ thể. Điều này cho thấy khả năng mở rộng và tính linh hoạt cao của Aave.
Ngoài các thị trường cơ bản (các phiên bản v1, v2 và v3), Aave còn có một thị trường thế chấp wstETH cho những người gửi tiền vào Lido, và một thị trường thế chấp weETH cho người dùng EtherFi.
Aave cũng đã thử nghiệm thị trường mới với Arc - nền tảng được thiết kế riêng cho các tổ chức lớn, yêu cầu KYC và được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, còn có một phiên bản nữa với sự hợp tác cùng Crypto.com.
Nhìn chung, triết lý của Aave đã được định hình bởi một dự án trưởng thành, đang gặt hái những thành quả từ sự xuất sắc trong sản phẩm và hiệu ứng cộng đồng. Aave đã đạt đến tầm cỡ có thể thu hút người dùng thông qua uy tín và chất lượng sản phẩm mà không cần phụ thuộc vào các ưu đãi (phần thưởng khuyến khích người dùng).
Làm thế nào mà Aave đạt được sự thành công như vậy? Anh em hãy đến với các phần tiếp theo để tìm thấy câu trả lời nhé!
Marc Zeller - CEO & Founder của Aave từng chia sẻ:
Bạn phải chiến đấu để thử nghiệm sản phẩm qua nhiều năm và tồn tại trong một ngành mà mọi thứ đều có thể chết rất nhanh. Bạn phải sống sót sau sự sụp đổ của FTX, Celsius và Three Arrows Capital. Bạn phải sống sót sau những đợt thanh lý liên tiếp. Bạn phải sống sót sau khi bị những tin tặc Bắc Triều Tiên tấn công. Và nếu bạn vẫn còn sống và không bị ảnh hưởng sau một vài năm thì mọi người sẽ nói rằng bạn thực sự nghiêm túc. Bạn xứng đáng được tin tưởng hơn dù cho đối thủ cạnh tranh có mức lợi nhuận cao hơn.
Trong khi các nền tảng Lending khác phát triển quá chậm hoặc chỉ chạy theo xu hướng, Aave đã xây dựng được lòng tin nơi người dùng nhờ áp dụng mô hình cho vay thế chấp mạnh mẽ, thị trường đa dạng, cơ chế thanh lý và quản trị rủi ro hiệu quả.
Hơn hết, Aave đã chứng minh được khả năng phản ứng nhanh đối với các lỗ hổng bảo mật. Chẳng hạn như sau cuộc tấn công (thử nghiệm) bởi Avraham Eisenberg vào năm 2022, DAO của Aave đã ngay lập tức đóng băng các thị trường có thanh khoản thấp trong vòng 24 giờ để ngăn chặn thao túng. Đồng thời điều chỉnh các tham số rủi ro trong vòng vài ngày nhằm tăng cường an ninh cho hệ thống.
Trong nhiều năm qua, Aave cũng đã chủ động xác định và vá các lỗ hổng trước khi chúng có thể bị khai thác. Các cuộc kiểm toán bảo mật thường xuyên và các chương trình tiền thưởng (dành cho những ai phát hiện ra lỗi) giúp đảm bảo an toàn cho giao thức.
Ngoài ra, mọi vấn đề báo cáo đều được giải quyết trước khi chúng kịp ảnh hưởng đến tài sản của người dùng. Nhờ tập trung vào tính bảo mật mà Aave đã củng cố vững chắc vị thế của mình, ngay cả khi nền tảng được mở rộng.
Hiện nay có quá nhiều dự án DeFi đang lệ thuộc vào airdrop và cơ chế khuyến khích người dùng để thu lại các số liệu tương tác cũng như số người theo dõi, số địa chỉ ví hoạt động,... Thực chất thì đây chỉ là chiến lược ngắn hạn và kết quả thu được không mang nhiều ý nghĩa, nhất là khi các số liệu này rất dễ làm giả.
Aave chủ yếu tập trung vào sản phẩm và hạn chế tối đa việc cung cấp ưu đãi dành cho người dùng. Chính nguyên tắc này đã xây dựng và củng cố văn hóa cộng đồng của Aave.
Điều quan trọng đối với Aave là doanh thu, điều này được thể hiện rõ khi Zeller nhấn mạnh:
Liệu mọi người có trả tiền cho sản phẩm của bạn không? Họ có tham gia và đóng góp không?
Đáng chú ý, hầu hết những người đứng đầu đội ngũ phát triển Aave đều xuất phát từ vai trò là thành viên cộng đồng. Họ đã có nhiều đóng góp và thể hiện được giá trị trước khi chuyển sang làm full-time cho Aave.
Đây là cách Aave xây dựng nền tảng quản trị từ gốc rễ, khuyến khích một nền văn hóa mà mọi tiếng nói đều được coi trọng, bất kể là thành viên nào và có sức ảnh hưởng hay không.
Aave DAO là một nhóm đa dạng các thành viên và đạt được sự cân bằng trong quản trị với khuôn khổ vững chắc. Token quản trị AAVE đại diện cho quyền sở hữu giao thức và DAO. Những người nắm giữ AAVE được tham gia bỏ phiếu cho các quyết định đối với tài sản, thị trường và kế hoạch chi tiêu kho bạc của giao thức Aave.
Trong cơ chế quản trị của Aave, sự tin tưởng có thể được ủy quyền (cộng đồng ủy quyền cho người đại diện để thay mặt họ biểu quyết), nhưng cũng dễ dàng bị thu hồi nếu người được ủy quyền (delegator) hoạt động kém hoặc gian lận.
Trong tương lai, Aave hướng đến một hệ thống quản trị thậm chí còn mạnh mẽ hơn hiện tại, với sự tham gia tích cực hơn của cả cộng đồng lẫn các delegator. Đó là một hệ thống cân bằng giữa phi tập trung và sự hiệu quả.
Chương trình The Aave Merit được Aave triển khai nhằm thưởng cho bất kỳ người dùng nào có hành vi phù hợp với mục tiêu, chiến lược của Aave. Phần thưởng Merit được trả bằng stkAAVE và GHO do Aave DAO tài trợ.
Những hành vi phù hợp này thường là các hoạt động DeFi trên nền tảng Aave như hold GHO, cho vay stkETH,.…Trong vòng 2 tháng kể từ khi Merit ra mắt, Aave đã đạt được mức tăng đáng kể, bao gồm hơn 200K ETH được gửi vào, nguồn cung tăng +40% và doanh thu tăng +125%.
Tuy nhiên, các chương trình airdrop như Aave Merit thường chỉ giữ chân được khoảng 10% người dùng trong dài hạn. Do đó cần phải theo dõi thêm để đánh giá đúng hiệu quả của Aave Merit và tác động của nó đối với sự tăng trưởng của ví mới.
Aave đang nhắm đến RWA như một cơ hội mới để phát triển mạnh hơn nữa. Zeller cho rằng:
Sự kết hợp giữa tài sản on-chain và off-chain có thể tạo ra bước đột phá lớn. Với việc RWA đang mang lại lợi nhuận tốt, bây giờ là thời điểm thích hợp để nắm bắt cơ hội này.
Vào năm 2022, Aave đã ra mắt Aave Arc, một nền tảng DeFi dành cho các tổ chức tài chính lớn với hơn 30 công ty tham gia. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng cao và có nhiều vụ gian lận liên quan đến Crypto diễn ra, Aave Arc đã gặp khó khăn và phải tạm dừng hoạt động.
Đến năm 2023, Zeller cho biết Aave Arc sẽ quay trở lại, nhưng lần này sẽ hỗ trợ các tài sản off-chain. Những đơn vị uy tín được Aave lựa chọn được gọi là người điều phối GHO, họ có nhiệm vụ giám sát việc phát hành và quản lý stablecoin GHO, đồng thời cho phép người dùng tiếp cận tài sản off-chain (RWA) mà không cần trực tiếp nắm giữ.
Ngoài ra, Aave cũng đang thử nghiệm tích hợp GHO với các quỹ RWA hàng đầu như BUIDL của BlackRock và USTB của Superstate để tăng tính ổn định và lợi nhuận. Việc tích hợp này cho phép hoán đổi USDC và GHO theo tỷ lệ 1:1, đồng thời sử dụng USDC thặng dư (tiền lãi) để tiếp tục tạo lợi nhuận từ các token BUIDL và USTB.
Tóm lại, Aave đang chạy đua để chiếm lĩnh thị trường RWA bằng cách mở rộng ra ngoài hệ sinh thái DeFi hiện tại. Mục tiêu cuối cùng là đưa Aave trở thành trung tâm cầu nối giữa DeFi và TradFi.
Sự thành công của Aave không đến từ may mắn, mà là kết quả của việc xây dựng một hệ thống quản trị phi tập trung bền vững, khả năng vượt qua thách thức trong một thị trường đầy biến động, và tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Aave đã chứng minh rằng họ không cần đi tiên phong để duy trì vị thế dẫn đầu, thay vào đó là nỗ lực không ngừng cải tiến, đổi mới và phương pháp phát triển cộng đồng hợp lý.
Với nền tảng vững mạnh, nhiều khả năng Aave sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong mảng Lending và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái DeFi.
Anh em đánh giá như thế nào về sự thành công của Aave? Đâu là yếu tố quyết định giúp Aave có được vị thế như ngày nay? Hãy comment ý kiến của anh em xuống phía dưới để trao đổi cùng cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập