DeFi là mảnh ghép không thể thiếu trong thị trường crypto. Theo Defillama, tổng TVL của toàn bộ giao thức DeFi tính tới tháng 12/2024 đã lên tới 135 tỷ USD. Trong đó, Lending là mảng đóng góp TVL lớn thứ 2 (khoảng 54 tỷ USD với các giao thổi bật như Aave, Compound, MakerDAO,...
Tuy nhiên, Lending vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở quy mô tổ chức. Anh em có thể thấy, các doanh nghiệp và đơn vị tài chính truyền thống có thể hưởng lợi rất nhiều nếu tích hợp DeFi Lending vào hoạt động của họ, đặc biệt là tối ưu hóa dòng tiền và quản lý tài sản.
Giờ đây, việc có thể sử dụng RWA (Real World Assets) làm tài sản thế chấp đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức tài chính. Thay vì chỉ dựa vào tài sản Crypto, các tổ chức có thể tận dụng các tài sản thực như bất động sản, hóa đơn, tín phiếu kho bạc,... để thế chấp.
Có thể thấy đây là bài toán khó nhưng cũng là thị trường màu mỡ cho các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn pháp lý. Maple chính là 1 dự án như vậy. Vậy, nền tảng Lending này có gì đặc biệt? Tiềm năng của Maple trong tương lai như thế nào? Anh em hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé.
Maple là gì?
Maple Finance (MPL) là dự án Lending/Borrowing phi tập trung. Mục tiêu của Maple là giải quyết những bất cập trong các hệ thống tài chính truyền thống bằng cách đưa tín dụng doanh nghiệp lên blockchain.
Mục tiêu nghe rất “vĩ mô” đúng không anh em? Để đạt được điều này, Maple thiết lập các smart contract giúp loại bỏ rào cản về thời gian và chi phí.
Ngoài ra, Maple là giao thức hỗ trợ doanh nghiệp vay dưới thế chấp và cả tín chấp. Khi đó, anh em có thể sử dụng số tiền trong hạn mức mà không cần thế chấp bất kỳ tài sản nào. Đến kỳ hạn thanh toán, anh em phải hoàn trả số tiền đã dùng cộng thêm phần tiền lãi suất nếu có.
Về cơ bản, cách hoạt động của Maple cũng gần như vậy nhưng ở cấp độ tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài hoạt động trên Ethereum, Maple cũng là 1 trong những giao thức cho vay dưới thế chấp đầu tiên trên Solana.
Điểm nổi bật của Maple
Dự án Maple có một số điểm nổi bật sau:
Giao thức cho vay dưới thế chấp: Maple tập trung vào cung cấp các khoản vay dưới thế chấp. Dễ thấy điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp và tổ chức vay vốn linh hoạt hơn.
Sử dụng hệ thống Lending Pools: Hệ thống Lending Pools được quản lý bởi các Pool Delegates. Các Pool Delegates có trách nhiệm đánh giá rủi ro và phê duyệt các khoản vay. Từ đó tối ưu việc phân bổ vốn và quản lý rủi ro.
Khả năng quản lý rủi ro: Maple sử dụng một hệ thống đánh giá tín dụng để đảm bảo các khoản vay được phân bổ an toàn và hiệu quả. Các đối tác và tổ chức phải trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng.
Lợi nhuận cho Liquidity Provider: Người dùng có thể cung cấp thanh khoản và nhận lại lợi nhuận từ các khoản lãi vay.
Khả năng mở rộng: Maple được thiết kế để có khả năng mở rộng và tích hợp với các giao thức DeFi cũng như các blockchain khác.
Maple hoạt động như thế nào?
Các thành phần trong Maple
Hệ thống của Maple gồm 4 thành phần tham gia chính:
Liquidity Providers (LPs): Giống như các dự án Lending khác, đây là những người hoặc tổ chức góp vốn vào các pool thanh khoản và nhận yield.
Pool Delegates: Đây là thành phần theo mình là quan trọng nhất của Maple. Pool Delegates chịu trách nhiệm phê duyệt các khoản vay trên Maple.
Các tổ chức đi vay: Đây là những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Stakers: Staker là những người stake token trên nền tảng và nhận về yield. Khác với LPs, họ sẽ khóa token của mình vào các Pool Staking.
Trong trường hợp khoản vay không thể trả được thì tài sản thế chấp sẽ bị thanh lý đầu tiên. Nếu tài sản thế chấp không đủ để bù đắp khoản vay thì tài sản trong các Pool Staking, tức là token mà các stakers đã khóa, sẽ được sử dụng tiếp theo để bảo vệ nền tảng khỏi tổn thất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tham gia staking sẽ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Bù lại, họ sẽ nhận được reward từ loan yields và MPL staking.
Vai trò của Pool Delegates
Như mình đã trình bày ở phần trước, Pool Delegates đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, Pool Delegates quản lý các Lending Pool. Và mỗi Lending Pool được quản lý bởi một Pool Delegate duy nhất.
Pool Delegate có trách nhiệm:
Đàm phán điều khoản vay với người vay.
Thực hiện thẩm định để đánh giá khả năng tài chính của người vay.
Thanh lý tài sản thế chấp trong trường hợp người vay không thực hiện được nghĩa vụ tài chính.
Pool Delegate sẽ đánh giá mức độ uy tín, danh tiếng, chuyên môn,... của người vay để xác định các điều khoản vay. Sau khi thoả thuận xong về lãi suất và tỷ lệ tài sản thế chấp, Pool Delegate sẽ giải ngân cho người vay từ Pool mà họ quản lý. Nói vui, Pool Delegate chính là người gác đền cho các Pool cấp khoản vay.
Quy trình hoạt động
Quy trình vay trên Maple như sau:
Phê duyệt Pool Delegate: Đầu tiên, Maple Governance phê duyệt các Pool Delegate, đây là những đơn vị chịu trách nhiệm quản lý Pool cho vay.
Tạo và kích hoạt Pool: Sau khi được phê duyệt, Pool Delegate sẽ
Tạo chiến lược đầu tư cho Pool.
Triển khai chiến lược này lên Pool.
Kích hoạt Pool bằng cách staking một lượng tối thiểu MPL và USDC.
Các LPs tham gia Pool: LPs sẽ tự tham khảo chiến lược của từng Pool và chọn Pool phù hợp để add thanh khoản.
Thẩm định hồ sơ vay: Pool Delegate thẩm định hồ sơ vay. Nếu đạt yêu cầu, họ sẽ khởi động hợp đồng vay.
Rút tiền và đặt cọc tài sản thế chấp:
Các tổ chức, doanh nghiệp vay (borrowers) sẽ rút khoản tiền từ Pool và đặt cọc một lượng tài sản thế chấp (stake collateral).
Giao dịch này phát sinh một khoản phí (Establishment Fee) và được chuyển vào Maple DAO Treasury.
Trả lãi và gốc: Borrowers vay ở bước trước trả lãi theo chu kỳ đã cam kết và trả gốc khi đến hạn khoản vay.
Claim lãi và gốc: Pool Delegate yêu cầu tiền lãi và gốc mà người vay cần trả trong suốt quá trình cho vay. Tất nhiên, số tiền này có thể được các LPs và stakers claim bất kỳ lúc nào.
Xử lý khi không trả nợ đúng hạn:
Nếu đến hạn mà Borrowers chưa trả được nợ, họ sẽ có thêm 5 ngày để thanh toán.
Nếu vẫn không thanh toán được, Pool Delegate sẽ thanh lý tài sản thế chấp và hoàn trả cho Liquidity Pools đã tài trợ khoản vay.
Hướng phát triển theo RWA của Maple
Maple đã có những bước phát triển đáng chú ý trong việc tích hợp Real-World Assets (RWA) vào hệ sinh thái DeFi của mình. Hoạt động này được thực hiện thông qua nền tảng Syrup.
Syrup là một protocol được phát triển dựa trên hạ tầng cho vay của Maple. Giao thức này cho phép người dùng DeFi tiếp cận các khoản vay được bảo đảm bởi RWA, giúp cung cấp các khoản lợi tức ổn định và quản lý rủi ro tốt hơn cho người dùng.
Tương tự như TrueFi và Ondo Finance, Maple cho phép người vay sử dụng các tài sản thực như hóa đơn hoặc các công cụ tín dụng làm tài sản thế chấp. Các tài sản RWA thế chấp trên Maple sẽ được cộng đồng hoặc các bên thứ ba đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính xác thực và giá trị của chúng.
Khi tài sản thế chấp được chấp thuận, người vay sẽ nhận được khoản vay bằng stablecoin.
Các bước thực hiện cho vay trên Maple
Để thực hiện cho vay trên Maple, anh em có thể thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào ứng dụng web của Maple để xem tổng quan về tất cả các pool có sẵn. Click vào 1 pool để xem chi tiết hơn.
Bước 2: Sau khi chọn được pool, anh em click vào pool đó để thực hiện các bước thẩm định và gửi tiền.
Bước 3: Trang xác nhận thành công sẽ xuất hiện.
Cập nhật số liệu dự án tới Q3/2024
Trong năm 2024, Maple Finance đã đạt được sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, đặc biệt với sự đóng góp của nền tảng Syrup, cụ thể như sau:
Chỉ trong quý 3 năm 2024, TVL của Maple đã tăng 70% so với quý trước, đạt hơn 400 triệu USD.
Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ các pool USDC và USDT trên Syrup, tăng từ 10 triệu USD lên 160 triệu USD chỉ trong một quý.
Về doanh thu:
Doanh thu hàng năm của Maple tăng hơn 100% so với quý trước, với doanh thu thực nhận tăng khoảng 230%.
Điều này cho thấy khả năng tạo ra nguồn thu bền vững, mang lại lợi ích cho cả giao thức lẫn các bên liên quan.
Đội ngũ phát triển
Thông tin đội ngũ phát triển của Maple như sau:
Sidney Powell (CEO & Co-founder): Powell là 1 người có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính. Ông từng giữ vai trò Portfolio Manager tại Angle Finance. Ngoài ra, Powell cũng từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Úc trong hơn 2 năm với vai trò là Chuyên viên cao cấp.
Joe Flanagan (Co-founder): Flanagan có nhiều năm làm việc và giữ những chức vụ cao trong ngành tài chính. Anh từng là Giám đốc điều hành tại Clover Advisory - đây là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn quản lý và chiến lược cho các doanh nghiệp. Joe cũng từng giữ vai trò Giám đốc tài chính tại Axsesstoday. Ngoài ra, anh còn là Tư vấn viên cho PwC Australia.
Matt Collum (CTO): Trước khi gia nhập Maple, Collum đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ lớn. Collum từng là Co-Founder kiêm CTO của Every, một dịch vụ ngân hàng trực tuyến thông minh dành cho các doanh nhân. Công ty này sau đó đã được Wave mua lại vào năm 2019.
Thông tin nhà đầu tư
Thông tin các vòng gọi vốn của Maple như sau:
Vòng gọi vốn không công khai (Undisclosed):
Diễn ra vào ngày: 22/08/2023
Số vốn đầu tư: 5 triệu USD
Quỹ đầu tư tham gia: Blocktower Capital, Tioga Capital Partners, The Spartan Group, Framework Ventures,...
Vòng IDO:
Diễn ra vào ngày: 28/04/2021 - 01/05/2021
Số tiền huy động: 2.5 triệu USD
Diễn ra trên nền tảng: Balancer LBPs
Vòng Seed:
Diễn ra vào ngày: 18/03/2021
Số vốn đầu tư: 1.4 triệu USD
Quỹ đầu tư tham gia: Polychain Capital và Framework Ventures
Thông qua 3 vòng, tổng số vốn huy động được của Maple là gần 9 triệu USD. Đối với 1 nền tảng Lending, theo mình, đây vẫn là con số khiêm tốn, đặc biệt lại còn là dự án hướng tới đối tượng khách hàng là các tổ chức.
Thông tin token allocation ban đầu của Maple như sau:
Liquidity Mining: 30%
Team & Advisor: 25%
Seed: 26%
Public Sale: 5%
Treasury: 14%
Lịch phát hành token MPL
Cơ chế vesting token MPL của Maple rất đơn giản. Lịch vesting chỉ dành cho 2 thành phần là Team & Advisors và các nhà đầu tư vòng seed. Cụ thể:
Team & Advisors: Lượng token bắt đầu được unlock tại TGE, phân bổ tuyến tính hàng tháng trong 2 năm.
Seed investors: Unlock tại TGE, phân bổ tuyến tính hàng tháng trong 1.5 năm.
Token Use Cases
Token MPL có các use cases sau:
Quản trị: MPL holder có quyền bỏ phiếu, quyết định những cập nhật, thay đổi trong Maple DAO Treasury.
Phí giao dịch: MPL được sử dụng để trả phí giao dịch cho các hoạt động trên Maple.
Giao dịch và lưu trữ token MPL ở đâu?
Giao dịch: Hiện tại anh em có thể giao dịch token MPL trên các sàn: Coinbase, BingX, Kraken, Gate.io,...
Lưu trữ: Anh em có thể lưu trữ token MPL trên các ví như Metamask, Trust Wallet,...
Roadmap
Trong thời gian tới, Maple dự kiến tập trung vào việc phát triển sản phẩm, cụ thể:
Rút tiền chỉ với một cú click chuột:
Hệ thống cũ: Người cho vay cần thực hiện 2 bước để rút tiền. Đầu tiên, đặt yêu cầu rút tiền. Sau đó quay lại pool để rút tiền vào ngày làm việc tiếp theo.
Hệ thống mới: Người cho vay chỉ cần thực hiện một bước duy nhất là đặt yêu cầu rút tiền. Sau đó, tiền sẽ được tự động trả về ví trong vòng 24 giờ.
Giảm thiểu thời gian chờ đợi để rút tiền:
Hệ thống cũ: Người cho vay cần đợi đến 2 giờ chiều theo giờ ET vào ngày làm việc tiếp theo để rút tiền từ pool.
Hệ thống mới: Việc rút tiền sẽ được xử lý ngay lập tức khi thanh khoản có sẵn, giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Custom linh hoạt yêu cầu rút tiền:
Hệ thống cũ: Người cho vay không thể hủy hoặc thay đổi yêu cầu rút tiền khi đã submit thông tin.
Hệ thống mới: Người cho vay sẽ có thể hủy hoặc thay đổi yêu cầu rút tiền nếu nhu cầu của họ thay đổi, miễn là yêu cầu chưa được xử lý.
Các câu hỏi thường gặp của dự án
Câu hỏi 1: Tại sao nên chuyển token MPL thành SYRUP?
Trả lời: Chuyển MPL sang SYRUP giúp anh em có thể tham gia staking và được thêm quyền quản trị dự án.
Câu hỏi 2: Chuyển đổi MPL sang SYRUP có an toàn không?
Trả lời: Maple đã kiểm tra kỹ lưỡng và smart contract của dự án được các chuyên gia audit. Do vậy anh em có thể yên tâm mọi giao dịch đều được thực hiện an toàn.
Câu hỏi 3: Làm cách nào để chuyển MPL sang SYRUP?
Trả lời: Anh em chỉ cần sử dụng công cụ chuyển đổi trên website của Maple, mọi thứ đều đơn giản và nhanh gọn.
Câu hỏi 4: Nếu token MPL vẫn nằm ở trên sàn thì sao?
Trả lời: Maple đang làm việc với các sàn CEX để đảm bảo việc chuyển đổi sang SYRUP diễn ra thuận tiện. MPL trên sàn sẽ tự động được chuyển đổi sang SYRUP, anh em không cần phải thực hiện thao tác gì thêm.
Tổng kết
Maple là dự án Lending/Borrrowing, theo mình có hướng đi khá hợp lý khi tập trung vào phân khúc tổ chức doanh nghiệp. Thực tế, bên đi vay chủ yếu là các tổ chức, họ có nhu cầu vốn cao để thực hiện các hoạt động tài chính.
Tuy nhiên, chính vì hướng tới người vay là tổ chức nên điều kiện tiên quyết để Maple phát triển là phải có lượng khách hàng ổn định. Mặt khác, nhu cầu lending DeFi hiện tại vẫn chưa thực sự nhiều, đặc biệt là khi thị trường bước vào giai đoạn ảm đạm, tính đến tháng 08/2024.
Ngoài ra, tính phi tập trung của dự án theo mình là chưa được đảm bảo. Như đã trình bày trong phần cách hoạt động, người có “quyền lực" cao nhất trong giao thức là các Pool Delegates. Họ có toàn quyền phê duyệt khoản vay, vậy nên, trong trường hợp Pool Delegate thẩm định hời hợt, phê duyệt các khoản vay không đạt,... thì sẽ gây hại cho hệ thống.
Cá nhân mình thấy Maple cũng không có nhiều điểm đặc biệt so với các dự án tương tự (CPool, TrueFi,...). Token use cases vẫn còn khá yếu, chưa có câu chuyện để làm tăng giá trong thời gian tới. Cần phải research thêm nhiều khía cạnh khác nữa nếu muốn đầu tư dài hạn.
Và đó là ý kiến của cá nhân mình, còn anh em thì sao? Anh em nhận định như nào về tiềm năng của Maple? Hãy để comment xuống dưới để trao đổi với các thành viên trong cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tiền của mình, chúc các bạn thành công!
Bình luận
Đăng nhập