Token là một thành phần không thể thiếu đối với mọi dự án crypto nói chung. Tuy nhiên, việc ra mắt token không hề đơn giản do phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý, thị trường,...
Vì vậy, mỗi dự án crypto cần lường trước để lên kế hoạch, chiến lược xử lý bài bản. Một cách ngắn gọn, đội ngũ dự án cần hiểu rõ các quy định pháp lý tại các thị trường mục tiêu, xây dựng các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư,...
Trong bài viết này, mình sẽ phân tích các chiến lược xử lý rủi ro khi ra mắt token theo góc nhìn phân tích của quỹ đầu tư nổi tiếng A16z. Từ đó, anh em builder sẽ dự phóng được những vấn đề có thể xảy ra và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình ra mắt token dự án.
Các rủi ro thường gặp phải khi ra mắt token
Như mình đã trình bày, việc lên kế hoạch triển khai chuẩn chỉnh, đảm bảo cho việc phát hành token trở nên thuận lợi là một bài toán khó.
Theo A16z, một số rủi ro chính mà các dự án thường gặp trong quá trình phát hành token đó là:
Rủi ro về pháp lý: Anh em đều biết rằng pháp lý là một trong những rủi ro lớn nhất mà các dự án có thể gặp phải. Đặc biệt tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) luôn xử lý vấn đề này một cách rất nghiêm ngặt. Token có thể bị xem là chứng khoán, dẫn đến quá trình điều tra hoặc các vụ kiện từ nhà đầu tư.
Hẳn anh em đều biết đến vụ kiện của SEC với Ripple, với những cáo buộc token XRP là chứng khoán. Đây là ví dụ kinh điển kéo dài từ cuối năm 2020 và mới chỉ khép lại gần đây vào ngày 08/08/2024.
Dù chiến thắng, Ripple Labs vẫn phải nộp phạt 125 triệu USD cho những vấn đề liên quan tới vụ kiện này.
A U.S. District Judge ruled that Ripple violated securities laws in 1,278 institutional sales transactions and fined it $125.035 million, far less than the $2 billion sought by the SEC. The judgment ruled that Ripple's programmatic sale of XRP to retail investors through…
Rủi ro về thương mại: Việc phát hành token ở Mỹ thường gặp rất nhiều rủi ro về pháp lý. Chính vì vậy, nhiều dự án đã chọn “né” thị trường này.
Tuy nhiên, nếu phát hành token ngoài nước Mỹ thì dự án sẽ bị mất đi một lượng người dùng lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của dự án.
Rủi ro về vận hành: Ra mắt token yêu cầu sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của dự án. Thường sau khi ra mắt token, lượng công việc cho dự án trở nên nhiều hơn và dồn dập hơn. Không có một kế hoạch kỹ lưỡng có thể dẫn tới thất bại trong quá trình vận hành của dự án.
Tất nhiên, sẽ không có một giải pháp nào hoàn hảo để xử lý hoàn toàn 3 rủi ro trên. Đôi khi, dự án cần chấp nhận nhận rủi ro để “giảm bớt thiệt hại” hoặc khả năng xảy ra vấn đề khác. Sự đánh đổi này cần linh hoạt và phù hợp với nguồn lực của dự án.
Tăng tính phi tập trung cho dự án
Tăng tính phi tập trung là yếu tố quan trọng giúp dự án crypto phát triển bền vững. Tuy nhiên, đạt được sự phi tập trung là một thách thức lớn. Các dự án sẽ phải hạn chế quyền kiểm soát tập trung từ đội ngũ foundation, public source code,...
Đây là một quá trình dài hơi và nên được thực hiện từng bước tùy vào tính chất của mô hình kinh doanh. Mỗi dự án sẽ có lộ trình riêng dựa theo các yếu tố như công nghệ, mục tiêu và cộng đồng.
Vậy tính phi tập trung giúp hạn chế những rủi ro mà mình nêu ở phần đầu tiên như thế nào? Câu trả lời là:
Với rủi ro pháp lý: Phi tập trung đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến luật chứng khoán, đặc biệt tại Mỹ. Theo Howey Test, nếu giá trị token không phụ thuộc vào đội ngũ quản lý hoặc sáng lập, token sẽ không bị xem là chứng khoán.
Điều dễ hiểu là thường đội dev bao giờ cũng nắm được nhiều thông tin và insight hơn nhà đầu tư nhỏ lẻ chúng ta. Vậy nên, phi tập trung sẽ giảm rủi ro pháp lý liên quan tới minh bạch thông tin.
Với rủi ro thương mại: Phi tập trung giúp cho dự án có thể phát hành token của mình một cách rộng rãi, bao gồm cả người dùng tại Hoa Kỳ.
Với rủi ro vận hành: Mặc dù phi tập trung mang lại nhiều lợi ích nhưng nó lại đi kèm với thách thức về vận hành.
Áp dụng và triển khai chuẩn chỉnh “sự phi tập trung" là bài toán khó, cần có nhiều thay đổi trong tư duy lẫn mô hình hoạt động. Trong quá trình phát triển, dự án cũng phải dần dần loại bỏ tầm ảnh hưởng của đội ngũ sáng lập.
Chọn đúng khu vực hoạt động
Một cách đơn giản và hiệu quả để “né" rủi ro pháp lý ở Mỹ là phát hành token bên ngoài quốc gia này. Để đạt được điều này, các dự án có thể chặn người dùng Mỹ tham gia và tránh niêm yết trên các sàn giao dịch như Coinbase hoặc Kraken.
Với rủi ro pháp lý:
Phát hành token bên ngoài Mỹ giúp giảm đáng kể rủi ro liên quan đến luật chứng khoán Mỹ
Về cơ bản, nếu một dự án không chào bán, cung cấp token cho người dân Mỹ thì nguy cơ bị SEC “để ý" cũng đã được giảm đáng kể
Với rủi ro thương mại:
Loại bỏ thị trường Mỹ có thể giới hạn cơ hội kinh doanh của dự án và làm tăng rủi ro thương mại
Các dự án vẫn có thể mở rộng vào thị trường Mỹ sau này nhưng phải điều chỉnh chiến lược. Điều này cũng có thể gây ra một số xung đột về lợi ích của user ở các quốc gia khác nhau
Với rủi ro vận hành:
Chiến lược “chọn đúng nơi" phát hành token có thể phần nào giảm được mức độ phức tạp trong quá trình vận hành dự án. Bớt đi 1 thị trường thì khối lượng công việc và vấn đề liên quan cũng giảm đi
Tuy nhiên, mất đi một thị trường chính là mất đi một nguồn user, thanh khoản. Giá token vì lý do này có thể dậm chân tại chỗ hoặc đi xuống
Giới hạn tệp user có thể giao dịch token
Cụ thể, nếu đội ngũ chưa chắc chắn về pháp lý, có thể hạn chế hoặc ngăn chặn một số tệp user nhất định đầu tư vào token.
Điều này có thể được thực hiện thông qua 2 cách:
Phát hành Transfer-Restricted Tokens (TRTs). Đây là token không thể giao dịch, chuyển nhượng cho đến khi một điều kiện nào đó được đáp ứng
Tính điểm (points) cho user thay vì sử dụng token
Việc áp dụng chiến lược này giúp hạn chế một số rủi ro sau:
Với rủi ro pháp lý:
TRTs và points có thể giúp giảm rủi ro pháp lý nếu không được xem như một khoản "đầu tư tiền bạc" theo Howey Test
Tuy nhiên, nếu TRTs/points được quảng bá giống như sản phẩm đầu tư hoặc liên kết với hoạt động kinh tế thì dự án có thể vi phạm luật chứng khoán
Với rủi ro thương mại:
TRTs/points hạn chế khả năng người dùng trong một số trường hợp nhất định. Đặc biệt là khi người dùng cần bán token để thu hồi vốn
Điều này có thể làm giảm động lực của user tham gia, sử dụng sản phẩm dự án
Với rủi ro vận hành:
TRTs/points giảm rủi ro trong quá trình vận hành do không có thị trường thứ cấp và giá trị cũng không biến động
Tuy nhiên, chính vì không biến động và cũng thiếu đi công cụ để xác định giá trị nên sẽ rất khó có thể sử dụng TRTs/points làm công cụ khuyến khích user tham gia
Tổng kết
Để ra mắt token thành công, việc chuẩn bị và có kế hoạch quản trị rủi ro là yếu tố then chốt. Theo A16z, chúng ta có 3 rủi ro chính khi ra mắt token là: Các rủi ro về pháp lý, thương mại và vận hành.
A16z cũng gợi ý 3 chiến lược để xử lý những rủi ro này. Tuy nhiên, anh em có thể thấy, không có chiến lược nào là hoàn hảo, giải quyết trọn vẹn tất cả vấn đề có thể xảy ra. Vì vậy, chúng ta có thể chọn lựa và tự thiết kế cho mình kế hoạch linh hoạt theo điều kiện thị trường và bối cảnh pháp lý.
Hy vọng qua bài viết của mình, anh em sẽ có thêm nhiều góc nhìn và ý tưởng để bổ sung vào kế hoạch build dự án đường dài.
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tiền của mình, chúc các bạn thành công!
Bình luận
Đăng nhập