Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017 cho tới nay (tháng 09/2024), đã có rất nhiều người dùng chọn Airdrop là hình thức để họ có thể "lập nghiệp" trong lĩnh vực crypto. Sự phát triển nhanh chóng đó đã tạo động lực cho nhiều mô hình mới xuất hiện, điển hình như Retroactive - một hình thức thường mang tới phần thưởng lớn hơn cho người dùng so với Airdrop.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu và phân biệt 2 hình thức kiếm tiền trên thị trường crypto này để xem giữa chúng thì đâu là cách giúp chúng ta kiếm được phần thưởng tốt hơn nhé!
Airdrop là một hình thức mà các dự án sẽ trao tặng phần thưởng dưới dạng token, NFT hoặc whitelist spot (vé tham gia các sự kiện) cho những người tham gia hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một hình thức quảng bá, thu hút người dùng ưa thích được các dự án crypto thường xuyên sử dụng vì tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí của nó.
Còn với Retroactive, chúng ta có thể xem đây là một hình thức Airdrop vì người dùng cũng tham gia với mục đích nhận các phần thưởng từ dự án khi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Retroactive là người dùng sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức hơn để hiểu rõ về sản phẩm, biết được cách sử dụng và trải nghiệm thường xuyên những tính năng mà dự án đang xây dựng.
Hiện nay, Retroactive đang được các dự án chất lượng ưu tiên sử dụng hơn, một phần vì nó có thể giúp "lọc" clone và cheater (những người dùng gian lận), một phần giúp cho mạng lưới của dự án có thể gia tăng số lượng hoạt động, người dùng và Total Value Locked (TVL).
Lưu ý, thuật ngữ "hoàn thành nhiệm vụ" mà mình sử dụng ở 2 định nghĩa trên chỉ mang tính tương đối bởi vì không phải dự án nào cũng đưa ra nhiệm vụ rõ ràng để người dùng có thể hoàn thành chính xác. Một số dự án chỉ đưa ra các tiêu chí mà người dùng cần đạt để có thể nhận phần thưởng vào thời điểm công bố Airdrop/Retroactive và chúng ta sẽ không biết được những nhiệm vụ cần làm trước đó. Trong trường hợp này, cần phải đoán được ý đồ của các nhà phát triển thông qua các hint (gợi ý) trong quá trình tương tác với dự án để đạt được càng nhiều tiêu chí sau cùng và nhận được càng nhiều phần thưởng nhất có thể.
Quest to Airdrop có thể được xem là hình thức airdrop phổ biến đầu tiên trên thị trường crypto và xuất hiện vào đầu năm 2018 sau khi dự án Ontology thưởng 1.000 ONT token cho những người dùng subscribe (theo dõi) kênh Newsletter của họ. Sau đó, nhiều dự án thấy được mức độ hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của người dùng của cách thức này nên đã sử dụng để tạo cộng đồng cho sản phẩm của họ.
Để đạt đủ điều kiện trong hình thức airdrop này rất đơn giản, bạn chỉ cần hoàn thành các nhiệm vụ mạng xã hội như: like, share, comment hoặc viết một đoạn văn ngắn nói về dự án trên các kênh media (Twitter, Discord, Telegram,...). Ngoài ra, một số nhiệm vụ còn yêu cầu mời bạn bè tham gia dự án để tăng thêm allocation (phần airdrop được phân bổ cho bạn).
Tuy nhiên, bởi vì việc hoàn thành Quest to Airdrop khá đơn giản và dễ dàng bị các cheater tấn công bằng cách sử dụng nhiều tài khoản ảo, cho nên hình thức này hiện đã không còn mang lại phần thưởng lớn cho người tham gia như giai đoạn ban đầu nữa.
Mặc dù vậy, Quest to Airdrop vẫn được sử dụng rất phổ biến hiện nay nhưng chỉ ở dưới dạng là một nhiệm vụ bắt buộc mà người dùng phải hoàn thành trước khi bước vào những nhiệm vụ phức tạp và có phần reward được phân bổ lớn hơn ở phía sau.
Hold to Airdrop là hình thức mà người trúng reward chỉ cần hold các token như BTC, ETH, ATOM,... hoặc các NFT hàng đầu như BAYC, Doodles,... là đủ điều kiện. Ví dụ: Osmosis airdrop token OSMO cho ATOM holder, Apecoin airdrop cho người nắm giữ NFT BAYC, các holder BTC, ETH nhận được những đồng token mới được tạo ra sau các sự kiện hard fork của blockchain Bitcoin hoặc Ethereum.
Đa số những dự án lựa chọn hình thức này đều muốn sản phẩm của họ có thể tiếp cận được với những người dùng có tài sản. Cách tiếp cận này sẽ giúp thanh lọc bớt người dùng clone hoặc cheat và tăng khả năng thu hút những tài sản "đang nằm im" vào cung cấp tài nguyên cho các giao thức mà dự án đang xây dựng (ví dụ như những dự án cho vay hoặc restaking).
Không giống với hình thức Hold to Airdrop, những dự án sử dụng Buy to Airdrop sẽ yêu cầu người dùng mua các vật phẩm được chính dự án đó phát triển để đủ điều kiện nhận phần thưởng.
Đây cũng có thể được xem là một hình thức mà dự án huy động vốn bằng cách bán những sản phẩm mà họ đã phát triển được, sau khi dự án phát hành token thì sẽ "tri ân" lại cho những người ủng hộ họ bằng phần thưởng airdrop.
Ví dụ như vào cuối năm 2023, dự án Layer 3 của Arbitrum là Xai đã công bố airdrop cho những người mua key và chạy node cho dự án này.
Faucet là một hình thức đã xuất hiện từ lâu đời thường được các dự án MMO (make money online) thời đầu sử dụng để thu hút người dùng làm các nhiệm vụ cho họ như: giải captcha, xem quảng cáo hoặc trải nghiệm các sản phẩm,... Sau khi hoàn thành, người dùng sẽ nhận được một phần crypto miễn phí như BTC, LTC, DOGE,...
Mặc dù hình thức Faucet này có vẻ giống với Quest to Airdrop hơn nhưng mình vẫn xếp nó vào Retroactive bởi vì cách thức phát crypto miễn phí của nó đã tạo cảm hứng cho việc nhận token trên mạng Testnet để trải nghiệm dự án sau này.
Trải nghiệm Testnet là hình thức Retroactive giúp bạn có thể nhận được crypto miễn phí bằng cách tham gia trải nghiệm các tính năng của dự án trong giai đoạn thử nghiệm.
Đây là hình thức đã nổi lên nhanh chóng vào khoảng năm 2021 sau khi các phần thưởng từ Airdrop không còn hấp dẫn như thời kỳ đầu. Thay vào đó, Retroactive lại có phần thưởng lớn hơn và được một bộ phận lớn cộng đồng "tung hô" như một hình thức đào crypto mới hiệu quả hơn những hình thức airdrop trước đó.
Điều này cũng dễ hiểu bởi vì tham gia trải nghiệm Testnet sẽ rất tốn thời gian khi mà người dùng phải "theo đuổi" cho tới lúc dự án phát hành token chính thức.
Đọc thêm: Săn Airdrop Hemi Network - Layer 2 kết hợp ưu điểm của Bitcoin và Ethereum được Binance Labs đầu tư!
Ngoài ra, một điều quan trọng cần lưu ý ở hình thức trải nghiệm Testnet này đó là không phải dự án nào cũng sẽ xác nhận rằng họ sẽ airdrop cho người dùng tham gia. Một số dự án chúng ta cần phải tinh ý hoặc dựa vào kinh nghiệm để nhận ra xem dự án đó có ý định tặng phần thưởng cho những người tham gia Retroactive hay không để tránh việc bỏ nhiều công sức ra nhưng cuối cùng không nhận lại được gì.
Bên cạnh hình thức trải nghiệm trong giai đoạn Testnet, từ giữa năm 2023 trở đi lại xuất hiện thêm một hình thức Retroactive mới mà mình tạm gọi là Earn point Mainnet.
Ở hình thức này, chúng ta sẽ tham gia vào các dự án đã ở giai đoạn alpha mainnet nhưng chưa phát hành token chính thức. Sau đó, dựa vào những hoạt động on-chain đã thực hiện và dự án sẽ tặng phần thưởng (thường là token) để "tri ân" cho những người có đóng góp vào hoạt động của dự án trong giai đoạn alpha này.
Đọc thêm: Săn airdrop Morpho - Nền tảng Lending huy động hơn $70M từ a16z và Pantera!
Khác với trải nghiệm Testnet, khi Retroactive với hình thức này bạn sẽ phải sử dụng tài sản ở mainnet (tài sản có giá trị, được mua bán ở trên thị trường) và một ít native token của mạng lưới đó để thanh toán phí gas. Vì vậy, nếu như muốn làm retroactive theo hình thức này thì cần phải tính toán thật kỹ và cân nhắc rủi ro để tránh việc sau khi nhận phần thưởng từ dự án lại không thể bù lại phần chi phí đã bỏ ra.
Ngoài ra, kể từ đầu năm 2024, thị trường crypto xuất hiện thêm một hình thức Retroactive mới thường được gọi với cái tên là Play to Airdrop. Hình thức này xuất hiện với những dự án ban đầu là các mini app game được xây dựng dựa vào tính năng Bot trên ứng dụng mạng xã hội hàng đầu Telegram.
Nhờ vào số lượng users khổng lồ với con số gần 1 tỷ và những hứa hẹn sẽ airdrop cho các thành viên tham gia sớm, những mini app game này đã nhanh chóng đạt các kỷ lục về số lượng người dùng. Điển hình nhất là Notcoin - Dự án được ra mắt trên Binance Launchpool số 54 với lượng người dùng đat hơn 40 triệu.
Chỉ cần tài khoản Telegram và một ít native token (đa số là TON token) là bạn có thể tham gia để có cơ hội được nhận airdrop từ những mini app game này.
Hiện tại, chúng ta không có bản thống kê chính xác nào về việc Airdrop hay Retroactive có phần thưởng lớn hơn dành cho những người tham gia hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân của việc này là vì có rất nhiều yếu tố tác động đến phần thưởng mà chúng ta có thể nhận được, ví dụ như điều kiện thị trường tại thời điểm mà dự án trả airdrop, số lượng phần thưởng, vốn huy động được hoặc mức mà dự án đó được định giá,...
Mặt khác, ở giai đoạn hiện nay thì giá trị phần thưởng thường tỉ lệ thuận với tiền bạc và thời gian mà những người tham gia sẽ bỏ ra. Ví dụ như những dự án thực hiện Retroactive thường sẽ trả reward cao hơn so với những dự án sử dụng hình thức Quest to Airdrop nhưng bù lại thì chi phí và thời gian mà người dùng bỏ ra sẽ cao hơn. Tuy nhiên, một số dự án với hình thức Buy to Airdrop hoặc Hold to Airdrop gần đây cũng đã trả phần thưởng rất hấp dẫn nhưng người tham gia chỉ cần nắm giữ token hoặc NFT được yêu cầu mà không cần phải bỏ ra quá nhiều công sức để theo đuổi dự án.
Vì vậy, theo mình thì chúng ta không nên phân định rạch ròi giữa Airdrop hay Retroactive mà hãy lựa chọn theo điều kiện về tiền bạc và quỹ thời gian mà bạn có thể bỏ ra sao cho có thể đóng góp cho dự án càng nhiều càng tốt, điều này sẽ giúp nâng cơ hội đạt đủ tiêu chí nhận airdrop của bạn lên cao hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý lựa chọn những dự án có chất lượng cao và đang xây dựng những giải pháp được nhiều người quan tâm để việc “cày” Airdrop đạt hiệu quả tốt nhất nhé.
Đọc thêm: Cẩm nang săn Airdrop hiệu quả: Chi tiết từ A-Z cách đánh giá dự án tiềm năng!
Trên đây là bài so sánh những điểm khác biệt giữa Airdrop và Retroactive để bạn có thể phân biệt được 2 hình thức kiếm tiền trên thị trường crypto này. Từ đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển của "nghề" Airdrop và lựa chọn được hình thức phù hợp với khả năng và nhu cầu kiếm tiền của bạn.
Giữa Airdrop và Retroactive thì bạn thích hình thức nào hơn? Liệu rằng ở trong tương lai sẽ có hình thức kiếm tiền trên thị trường crypto nào hấp dẫn hơn 2 cách kể trên hay không? Hãy cho mình biết ý kiến của bạn ở phần bình luận phía dưới để cùng thảo luận với anh em trong cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập