Đã là một dân đầu tư crypto chính hiệu thì hẳn anh em đều phải follow những người có tầm ảnh hưởng trong giới. Chỉ cần một tweet của họ trên X thôi là cũng có thể làm cho giá của 1 đồng coin “dựng cột" rồi.
Ngoài những người tượng đài của ngành như Vitalik, CZ,.... thì có một nhân vật vốn không liên quan gì tới crypto nhưng lại được rất nhiều anh em quan tâm, chính là Elon Musk.
Được mệnh danh là Iron man ngoài đời thực, Elon Musk có tầm ảnh hưởng rất lớn tới giới Fintech nói chung và Crypto nói riêng. Hẳn anh em đều nhớ những cú tweet nhắc về Dogecoin nổi tiếng của vị tỷ phú này. Elon thích Dogecoin bởi vì nó hài hước, đơn giản vậy thôi.
Trong bài viết này, hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu những yếu tố giúp Elon Musk thành công trong thương trường nhé. Qua bài viết, anh em sẽ rút ra được nhiều bài học cho riêng mình trong con đường sự nghiệp sau này và cả đầu tư crypto nữa đó.
Elon Musk là một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới. Ông là CEO của các công ty công nghệ hàng đầu như Tesla, SpaceX và gần đây là Twitter (nay là X).
Elon Musk luôn có những dự án để đời, mang tầm vóc nhân loại. Gần đây nhất, báo chí liên tục nhắc tới “đũa gắp tên lửa” của Space X.
Khả năng thu hồi lại được tên lửa giúp giảm chi phí đưa các vật thể nhân tạo vào không gian. Một ý tưởng tham vọng hơn của Musk đó là đưa con người lên sao Hoả. Dù công việc dày đặc khi quản lý 5 công ty công nghệ lớn nhưng Elon Musk rất chăm chỉ chia sẻ quan điểm cá nhân. Elon Musk nổi tiếng với tính hài hước, táo bạo trong những phát biểu trên nền tảng X.
Sở hữu hàng trăm triệu followers, những tweet của Elon Musk ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và thậm chí cả thị trường tài chính. Với crypto, Elon Musk thu hút sự chú ý với những bài đăng “vu vơ" về Dogecoin - memecoin được tạo ra như một trò đùa vào năm 2013.
Chính những cú tweet này đã khiến giá trị của Dogecoin biến động mạnh. Dogecoin thu hút sự chú ý của Elon Musk hơn cả Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH). Trong công việc, Elon nổi tiếng với cá tính mạnh, đôi khi là cực đoan. Ông từng mail cho nhân viên Tesla là phải dành ít nhất 40 giờ/ tuần cho công việc.
Chính Elon đã noi gương khi luôn làm việc và có thể ngủ ở công ty. Ông cho rằng việc này sẽ mang những sản phẩm tuyệt vời tới tay người dùng so với các công ty khác.
Đọc thêm: Tiểu sử Vitalik Buterin - Nhà sáng lập thiên tài của Ethereum
Trong các phần tiếp theo, mình sẽ tiếp tục chia sẻ các yếu tố giúp Elon Musk thành công, không chỉ trong công nghệ mà còn ở đa lĩnh vực.
Chấp nhận rủi ro là một cách để đưa ra những sản phẩm/dịch vụ đột phá. Đôi khi thất bại chính là cái giá bạn cần phải trả để thử nghiệm một thứ mới. Musk tin rằng, nếu không có rủi ro sẽ không có cơ hội cho sự cải tiến. Ông khuyến khích việc thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo, chấp nhận khả năng thất bại như một phần của hành trình đến thành công.
Dễ thấy nhất là ở SpaceX. Các vụ phóng thử đầu tiên đều thất bại, thay vì dừng lại, Musk và đội ngũ đã cải tiến liên tục và đạt được thành công với Falcon 9.
Một tư duy rất hay mà mình học được từ Musk đó là cần chấp nhận rủi ro và hướng tới mục tiêu lớn.
Ví dụ, SpaceX là công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Mục tiêu trước đây vốn chỉ các quốc gia lớn mới có thể thực hiện. Và từ đó mở ra chương mới cho ngành công nghiệp không gian tư nhân.
Theo Musk, kiên trì là yếu tố quyết định trong việc vượt qua thử thách và đạt được mục tiêu. Thay vì dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn, ông khuyến khích mọi người nên chiến đấu đến cùng trừ khi không còn cách nào khác.
Như mình trình bày ở phần đầu, Musk có phong cách làm việc “cực đoan". Ông tin rằng làm việc với cường độ cao là cách để đạt được sự tiến bộ nhanh chóng. Musk khuyến khích mọi người cống hiến tối đa để tăng cơ hội đạt được thành công.
Trong những giai đoạn khó khăn của Tesla, Musk đã dành hầu hết thời gian của mình tại nhà máy. Ông làm việc 80 đến 100 giờ mỗi tuần để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng, chuẩn chỉnh. Nhờ sự cống hiến này, Tesla vượt qua khủng hoảng sản xuất và trở thành một trong những hãng ô tô giá trị nhất thế giới.
Điều mình cũng học được ở Musk đó là khi một điều gì đó đủ quan trọng, chúng ta nên làm nó ngay cả khi cơ hội thành công không nhiều. Đây là một triết lý giúp Musk theo đuổi những mục tiêu táo bạo.
Trong những bài nói của mình trước công chúng, Elon Musk cho rằng “con đường đến phòng CEO không nên đi qua phòng CFO hay phòng marketing, mà cần phải qua phòng kỹ thuật và thiết kế.” Musk tin những lãnh đạo tốt nhất là những người hiểu sâu về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm. Theo ông, việc hiểu cốt lõi của sản phẩm sẽ giúp lãnh đạo đưa ra những quyết định sáng suốt.
Như anh em có thể thấy, mặc dù là CEO nhưng Musk vẫn tham gia rất sâu vào các quyết định kỹ thuật và thiết kế ở Tesla, SpaceX và Twitter. Ông không chỉ làm công tác điều hành mà còn trực tiếp đóng góp ý kiến về sản phẩm.
Căng hơn nữa, Musk thậm chí can thiệp vào từng chi tiết nhỏ của quá trình phát triển để đảm bảo sản phẩm chất lượng và hiệu quả. Vị tỷ phú từng yêu cầu nhân viên in đoạn code của Twitter ra giấy để ông review. Thật sự rất kỹ tính và tỉ mỉ!
Ngoài ra, một mindset thú vị của Elon Musk mà anh em nên học đó là “con người làm việc tốt hơn khi họ biết mục tiêu là gì và tại sao”. Musk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền đạt mục tiêu rõ ràng và ý nghĩa của công việc cho nhân viên. Khi nhân viên có động lực, họ sẽ làm việc với tinh thần nhiệt huyết và sáng tạo hơn.
Ở SpaceX, Musk truyền cảm hứng cho đội ngũ bằng mục tiêu không tưởng, đó là đưa con người lên sao Hỏa và xây dựng cuộc sống đa hành tinh. Điều này giúp các nhân viên cảm thấy họ đang làm việc dưới một sứ mệnh cao cả, thúc đẩy họ cống hiến hết mình.
Cuối cùng, tố chất làm nên một người lãnh đạo là phải dấn thân. Nếu là một Founder hay CEO, anh em cần sẵn sàng xắn tay vào làm mọi việc, từ những nhiệm vụ nhỏ nhặt cho đến các quyết định quan trọng. Sự dấn thân này không chỉ giúp người lãnh đạo nắm rõ tình hình thực tế mà còn là nguồn động viên cho nhân viên. Điều này cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự sẵn sàng làm mọi việc vì mục tiêu chung.
Về phát triển bản thân, Musk nhấn mạnh vai trò của việc học hỏi, tự đánh giá và xây dựng động lực cá nhân.
Musk cho rằng phải có “một vòng lặp phản hồi”, tức là anh em cần liên tục suy nghĩ về những gì đã làm và cách có thể làm tốt hơn. Việc xem xét lại các hành động và tìm cách hoàn thiện sẽ giúp chúng ta phát triển và tiến bộ liên tục.
Tại Tesla và SpaceX, Musk thường xuyên rà soát lại các quy trình và sản phẩm, tìm kiếm cách cải thiện từ những thử nghiệm thất bại. Tiếp theo, Musk cho rằng cần phải thực sự chú ý vào những phản hồi tiêu cực của người dùng, thậm chí là từ những người bạn bè.
Phản hồi tiêu cực là nguồn thông tin quý giá cho sự phát triển. Chúng ta cần có cái nhìn nghiêm túc và cầu thị với những phản hồi này để liên tục nâng chuẩn.
Một hãng xe điện thông minh như Tesla cũng không ít lần mắc phải những lỗi nghiêm trọng. Việc nhìn nhận và sửa sai sau phản hồi của khách hàng khó tính đã giúp chất lượng xe ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài ra, Musk tin rằng một thái độ tích cực về tương lai là động lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn. Sự lạc quan này giúp mọi người giữ vững tinh thần, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Một yếu tố quan trọng để có động lực là làm những thứ mình đam mê. Khi được làm những gì mình yêu thích, chúng ta sẽ có tinh thần cao nhất.
Về khởi nghiệp, Musk nhấn mạnh yếu tố con người là một phần cốt lõi trong sự thành công của doanh nghiệp. Sự sáng tạo, động lực và lòng quyết tâm của đội ngũ foundation là chìa khóa dẫn tới đích, không chỉ là chất lượng của sản phẩm.
Tất nhiên, khởi nghiệp là một hành trình không hề dễ dàng và luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đọc thêm: Luca Netz: Từ homeless kid tới founder bộ NFT đình đám Pudgy Penguins
Musk đã từng đối diện với việc phá sản trong giai đoạn đầu của Tesla và SpaceX. Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường, ông đã vượt qua và lèo lái công ty tới thành công. Musk cho rằng doanh nghiệp giống như một câu lạc bộ thể thao. Các tài năng cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt nhưng sự hợp tác và chiến lược chung của đội mới là yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, về nhân sự, thay vì tập trung vào việc mở rộng đội ngũ, Musk chú trọng tìm kiếm và giữ lại những tài năng xuất sắc. Đây là những người có khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Việc tuyển thêm bừa bãi không giúp cho vấn đề được giải quyết.
Anh em có thể thấy Elon Musk là một người có cá tính và những quan điểm để đạt tới thành công của Iron Man đời thực này là rất rõ ràng. Tóm gọn lại, chúng ta có thể tổng hợp các keyword chính như “đam mê", “kiên trì", “chấp nhận rủi ro" và “lạc quan".
Hy vọng qua nội dung trên, anh em sẽ ứng dụng được những bài học quý giá từ Elon Musk trên con đường sự nghiệp của mình.
Anh em suy nghĩ như thế nào về quan điểm của vị tỷ phú cực “dị" trong giới công nghệ này?. Hãy comment xuống dưới để trao đổi với mình và các thành viên trong cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập