Trước đây khi nhắc về kinh tế vĩ mô, chỉ có nhà đầu tư ở thị trường tài chính như Vàng, Forex quan tâm. Tuy nhiên trong chu kỳ hiện tại, các yếu tố về kinh tế lại ảnh hưởng cực kì sâu sắc đến cả thị trường Crypto qua những lần tăng giảm mạnh mẽ.
Và trong tương lai, nếu càng có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các chỉ số vĩ mô sẽ chi phối mạnh mẽ hơn nữa. Vậy nên, khi tham gia thị trường Crypto, anh em cần hiểu rõ về các chỉ số vĩ mô này vì đó là yếu tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận đầu tư.
Vậy chỉ số kinh tế vĩ mô là gì? Việc hiểu rõ những yếu tố này giúp gì trong quá trình đầu tư Crypto? Hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu về chỉ số kinh tế vĩ mô qua bài viết sau nhé!
Kinh tế vĩ mô là một khái niệm trong ngành kinh tế. Chỉ số vĩ mô đề cập đến các tác nhân kinh tế ở quy mô lớn như lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tổng sản phẩm quốc nội,… Từ những chỉ số này các nhà kinh tế, chính phủ, cơ quan có thể dự đoán và đưa ra chính sách phù hợp cho quốc gia hoặc doanh nghiệp của mình.
Có thể nói, chỉ số kinh tế vĩ mô thể hiện bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế quốc gia, vậy nên, việc sử dụng chúng sẽ giúp đánh giá tình hình kinh tế cũng như mức sống của người dân một cách chi tiết và chính xác nhất.
Ví dụ, nếu theo dõi chỉ số GDP, ta có thể thấy được mức độ phát triển kinh tế của một đất nước. Hay sự tăng giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ phản ánh sức khỏe của thị trường lao động và nền kinh tế.
Sau khi phân tích được các chỉ số kinh tế vĩ mô và rút ra kết luận, các nhà kinh tế học sẽ đề xuất giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế.
Ví dụ, CPI tăng đồng nghĩa với mức độ lạm phát cũng tăng theo. Vậy nên, các quốc gia cần có các chính sách thắt chặt tiền tệ phù hợp để giảm nguy cơ mất kiểm soát tốc độ lạm phát, thậm chí dẫn đến trường hợp siêu lạm phát.
Về cách mà các chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt và nới lỏng tiền tệ mình sẽ giải thích kĩ hơn ở bài viết sau.
Việc nắm được tình hình vĩ mô cũng giúp doanh nghiệp có phương án phát triển và mở rộng phù hợp hơn. Các chỉ số này giúp xác định nền kinh tế đang ở giai đoạn nào, từ đó hiểu hơn về chu kỳ kinh doanh như mở rộng (expansion), đỉnh điểm (peak), suy thoái (recession), và đáy (trough).
Nếu đang ở giai đoạn mở rộng thì doanh nghiệp cần có những hành động đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và ngược lại. Ví dụ như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, hàng loạt doanh nghiệp thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự, đình chỉ dự án mới,...
Thậm chí các công ty còn nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Điển hình như General Motors, họ đã nhận gói cứu trợ từ chính phủ Mỹ để tái cấu trúc hoạt động. Sau khủng hoảng, General Motors đã phục hồi mạnh mẽ và liên tục ra mắt các dòng sản phẩm cạnh tranh hơn.
Đối với doanh nghiệp, việc đọc hiểu và áp dụng các chỉ số kinh tế sẽ giúp lập kế hoạch sản xuất, đầu tư và mở rộng thị trường hiệu quả hơn.
Ví dụ, nếu dự báo lạm phát cao, doanh nghiệp có thể tăng giá hàng hóa để bảo vệ lợi nhuận.
Đối với các nhà đầu tư, chúng ta có thể dựa vào các chỉ số kinh tế để đánh giá rủi ro và cơ hội đầu tư. Chẳng hạn, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và GDP tăng, anh em có thể kỳ vọng vào sóng tăng của thị trường tài chính.
Chung quy lại, dù là tổ chức lớn như một chính phủ cho đến các doanh nghiệp hay từng cá nhân thì việc tìm hiểu các chỉ số kinh tế vĩ mô là vô cùng quan trọng.
Chỉ số giá tiêu dùng hay CPI (Consumer Price Index) là một trong những thước đo kinh tế quan trọng nhất. Chỉ số này đo lường sự thay đổi giá cả hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân trong 1 thời kỳ tại một quốc gia nhất định (có thể tính theo từng tháng, quý, năm).
Chỉ số CPI tăng cho thấy lạm phát gia tăng. Lạm phát cao sẽ khiến cho cơ quan lãnh đạo quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đẩy lãi suất tăng theo. Điều này có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng và ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, nếu chỉ số CPI giảm mạnh đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang bị trì trệ và có khả năng làm sụp đổ cả một hệ thống tài chính nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài đo lường lạm phát, CPI còn có công dụng để các nhà hoạch định điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như thu nhập và phúc lợi của người dân.
Chỉ số giá sản xuất hay PPI (Producer Price Index) dùng để đo lường sự thay đổi giá của hàng hoá và dịch vụ ở các công đoạn sản xuất, phân phối ban đầu.
Chỉ số PPI có vai trò mật thiết đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bởi nó tập trung vào góc độ của nhà sản xuất, từ đó đo lường biến động giá cả đầu vào, giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh, phân phối nguồn lực hiệu quả hơn.
Còn đối với các nhà kinh tế học, họ có thể tiếp cận PPI với góc nhìn khác. Ví dụ nếu PPI tăng cho thấy chi phí đầu vào sản xuất tăng. Mà khi giá sản xuất tăng thì doanh nghiệp có xu hướng nâng giá sản phẩm, từ đó sẽ dẫn tới lạm phát.
Vậy nên, từ sự biến động của PPI, chúng ta có thể phần nào xác định được chỉ số CPI. Còn với các nhà đầu tư, họ sẽ phân tích PPI để dự báo lạm phát và điều chỉnh danh mục đầu tư kịp thời.
GDP (Gross Domestic Product) - tổng sản phẩm quốc nội là chỉ số quan trọng bậc nhất của nền kinh tế. GDP là tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ sản xuất ra trong biên giới của một quốc gia ở thời kỳ nhất định, thường tính bằng quý hoặc năm. GDP tăng cho thấy nền kinh tế đang phát triển, trong trường hợp ngược lại sẽ là suy thoái.
Ví dụ, khi GDP tăng tức là các công ty có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, thu nhập và lợi nhuận tăng. Từ đó, thị trường tài chính cũng sẽ hưởng lợi do kỳ vọng lợi nhuận của đám đông.
Còn nếu GDP đình trệ hoặc giảm sút sẽ khiến khả năng đầu tư, tiêu dùng giảm theo, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính. Nhờ GDP, các nhà hoạch định có thể thiết kế và điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm ổn định kinh tế. Ngoài ra, GDP cũng là một chỉ số giúp các quốc gia có thể so sánh quy mô và hiệu suất với nhau.
Lãi suất cơ bản là lãi suất cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng do ngân hàng Trung ương (NHTW) quy định.
Đây là công cụ quan trọng để điều tiết lạm phát và tăng trưởng nền kinh tế. Cụ thể, khi lãi suất tăng thì chi phí vay vốn tăng khiến nhu cầu đầu tư và tiêu dùng giảm. Từ đó dẫn đến thị trường tài chính cũng sẽ giảm điểm do triển vọng lợi nhuận các công ty giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể nói là một trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Bởi nó được tính theo tỷ lệ phần trăm những người đang tìm kiếm việc làm trên một khu vực hoặc quốc gia cụ thể.
Nếu quốc gia đó có nền kinh tế phát triển tốt thì càng có nhiều vị trí được tuyển dụng hơn, nhờ vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nếu quốc gia hoặc khu vực đó kém phát triển thì các tổ chức, doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân sự để giảm thiểu chi phí, từ đó số người thất nghiệp sẽ tăng lên.
Tỷ lệ thất nghiệp gây ra rất nhiều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Ví dụ thất nghiệp sẽ khiến người dân gặp khó khăn về tài chính, từ đó cắt giảm chi tiêu. Mà nếu không có ai tiêu dùng thì các doanh nghiệp không có doanh thu phải sa thải nhân sự.
Điều này gây ra một vòng lặp kéo nền kinh tế đi xuống. Chưa kể khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng chính là gánh nặng cho ngân sách nhà nước và gây ra mất trật tự xã hội.
PCE (Viết tắt của Personal Consumption Expenditures) là chỉ số chi tiêu cá nhân trong một quốc gia. Chỉ số này đo lường về mức độ tiêu dùng hàng tháng của người dân thông qua phí dịch vụ, hàng hóa lâu bền như ô tô, thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng như thực phẩm, quần áo,...
PCE chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong GDP, do đó sự thay đổi của PCE cũng phản ánh tình trạng nền kinh tế.
Khi PCE tăng trưởng mạnh, điều này cho thấy người tiêu dùng đang tích cực mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mà càng có nhiều người sẵn sàng tiêu dùng như thế thì các doanh nghiệp sẽ gia tăng sản lượng sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế của quốc gia.
Ngược lại, chỉ số PCE giảm sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế. Vậy nên, tùy vào tình hình của chỉ số PCE, chính phủ các nước sẽ đưa ra những biện pháp tốt nhất để điều tiết nền kinh tế.
ADP Non-farm Employment Change là báo cáo thể hiện sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp.
Khác với Non Farm được tính bởi chính phủ Mỹ, ADP Non-farm được tính bởi tổ chức tư nhân mang tên Automatic Data Processing (ADP). Đây là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý bảng lương cho ⅕ nhân viên tư nhân tại Hoa Kỳ.
Và chỉ số này cũng được coi như là một yếu tố dự báo về bảng lương phi nông nghiệp của chính phủ. Nếu dữ liệu thực cao hơn ADP Non-farm, đó sẽ là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, kênh Telegram của cộng đồng TradecoinVN sẽ cập nhật thông tin về những chỉ số kinh tế quan trọng cho anh em. Không chỉ đơn thuần cung cấp dữ liệu, đội ngũ admin TradecoinVN còn đưa ra những phân tích giúp anh em có cái nhìn tổng quan nhất trong quá trình đầu tư.
Link tham gia cộng đồng TradecoinVN: https://t.me/vietnamtradecoinchannel
Forex Factory là một công cụ vô cùng hữu ích dành cho anh em trong thị trường tài chính. Nền tảng này cung cấp đa dạng thông tin, chỉ số kinh tế.
Để lọc được các thông tin quan trọng ảnh hưởng tới quá trình đầu tư thì anh em ấn vào “Filter”.
Theo kinh nghiệm của mình thì ở mục Currencies (Tiền tệ), anh em chỉ cần quan tâm đến USD, CNY, GBP, EUR. Còn về Expected Impact (Mức độ quan trọng) thì chọn màu đỏ và cam là được.
Sau khi cài đặt xong và ấn “Apply Filter” thì anh em sẽ thấy các dữ liệu quan trọng được hiển thị. Còn những thông tin không ảnh hưởng quá nhiều đến đường giá Crypto market sẽ biến mất.
Trên đây là một số thông tin các chỉ số kinh tế vĩ mô mà bất kỳ ai tham gia thị trường tài chính đều phải nắm được. Bởi hiện nay các chỉ số này đã có sự liên quan mật thiết đến sự tăng giảm của thị trường. Anh em có thể thấy mỗi khi có tin tức về CPI, PPI,...đều có thể khiến giá vàng, coin, cổ phiếu tăng giảm mạnh.
Không chỉ trong ngắn hạn, các chỉ số này cũng có tác động cực lớn đến nền kinh tế và các thị trường tài chính trong dài hạn.
Và trên đây là những chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng mà bất kỳ ai tham gia thị trường tài chính cũng cần phải chú ý. Nếu có thắc mắc anh em hãy bình luận xuống bên dưới để cùng thảo luận với cộng đồng TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
© Copyright By TradeCoinVN 2022. All Rights Reserved
Bình luận
Đăng nhập