Kể từ khi blockchain được ra đời vào năm 2009, đặc biệt là sau sự xuất hiện của smart contract trên Ethereum đã cho chúng ta thấy được tiềm năng lớn của công nghệ blockchain ở trong tương lai nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mà các nhà phát triển cần phải giải quyết. Vì lý do đó, cho đến nay, đã hàng nghìn dự án crypto được xây dựng để cung cấp đa dạng các giải pháp cho những vấn đề đang ngăn cản công nghệ blockchain tiến gần hơn với con người.
Tuy nhiên, việc có rất nhiều dự án được ra mắt ở đa dạng loại hình, lĩnh vực khác nhau đôi khi khiến cho các nhà đầu tư khó mà nắm bắt và phân loại được. Vì vậy, việc Binance Research đưa ra Industry Map sẽ giúp cho chúng ta có được một góc nhìn tổng quan rõ ràng hơn về bức tranh toàn cảnh của thị trường crypto.
Trong phần 1 của Crypto Industry Map, hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu về Infrastructure và những lĩnh vực, dự án nằm trong mảng này nhé!
Crypto Industry Map là gì?
Crypto Industry Map là một bảng thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư một cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái crypto bằng cách phân loại các dự án theo mảng, lĩnh vực và giải pháp mà chúng mang lại.
Bảng thông tin này được tổng hợp dựa trên các dữ liệu, bài nghiên cứu và phân tích đã được công khai trên thị trường. Tuy nhiên, bởi vì số lượng quá lớn hiện nay, cho nên Binance Research chỉ thống kê một số dự án nổi bật vào Crypto Industry Map dựa theo mảng, lĩnh vực, giải pháp mà các dự án đó đang được xây dựng và phát triển.
Lưu ý: Những dự án được tổng hợp trong Crypto Industry Map sẽ không được xem là lời khuyên đầu tư đến từ Binance Research. Bạn cần phải tự mình DYOR (do you own research) trước khi xuống tiền và có trách nhiệm những quyết định đầu tư của bản thân nhé.
Industry Map: Infrastructure
Ở trong phần đầu tiên của Crypto Industry Map, chúng ta sẽ cùng tổng hợp các dự án nằm trong Infrastructure (cơ sở hạ tầng), một mảng cực kỳ quan trọng đối với bất kể ngành nghề nào vì những dự án nằm trong đó sẽ cung cấp năng lượng để cho phép những mảng, lĩnh vực khác có thể triển khai và đi vào hoạt động.
Với vai trò quan trọng đó, những dự án nằm trong mảng Infrastructure thường liên quan đến kỹ thuật, công nghệ hoặc lý thuyết mới để mang lại những giải pháp và cải tiến giúp cho công nghệ blockchain có khả năng triển khai nhiều ý tưởng mới, độc đáo hơn. Ví dụ, công nghệ Zero-Knowledge (ZK) giúp nâng cao khả năng mở rộng của blockchain hay các giao thức bridge cho phép kết nối và chuyển tài sản giữa các hệ sinh thái khác nhau.
Lĩnh vực và dự án trong mảng Infrastructure
Theo Binance Research, hiện tại, mảng Infrastructure được chia thành 5 lĩnh vực chính, bao gồm:
Scalability and Fairness
Scalability and Fairness (tạm dịch: Khả năng mở rộng và tính Công bằng) là các giải pháp hướng tới việc cải thiện khả năng mở rộng của blockchain bằng cách xử lý các giao dịch bên ngoài (off-chain) rồi sau đó chỉ ghi nhận lại kết quả và bảo mật chúng trên base layer (thường là các Layer 1 như Ethereum, Bitcoin).
Ngoài ra, một số dự án khác trong lĩnh vực này còn hướng tới việc cải thiện tính công bằng của blockchain bằng cách điều phối và xử lý hiệu quả các giao dịch thông qua Maximal Extractable Value (MEV).
Lĩnh vực Scalability and Fairness sẽ được chia thành 3 phân khúc giải pháp khác nhau với một số dự án nổi bật trong đó, bao gồm:
Zero-Knowledge (ZK) là công nghệ mới đang được đánh giá rất cao trong việc “đóng gói” và xử lý các giao dịch off-chain rồi sau đó sử dụng bằng chứng zero-knowledge (ZKP) để xác minh trên base layer (hay còn gọi là xác minh on-chain). Một số dự án nổi bật sử dụng công nghệ ZK bao gồm:
Linea: Đây là giải pháp Layer 2 (L2) zkEVM rollup được xây dựng bởi Consensys - Công ty phần blockchain nổi tiếng với sản phẩm ví Metamask
Polygon zkEVM: Một giải pháp L2 khác của thương hiệu Polygon để mở rộng Ethereum dựa trên công nghệ ZK
Scroll: Giải pháp L2 zkEVM nổi bật với các quỹ đầu tư lớn như Sequoia và BainCapital Ventures,...
StarkNet: Giải pháp L2 ZK-Rollup phi tập trung, permissionless (không cần cấp phép) được phát triển bởi Starkware nổi bật với tổng 282.5 triệu USD huy động được từ các VCs nổi tiếng như Paradigm, Sequoia, Ethereum Foundation,... hay cá nhân Vitalik Buterin (Co-Founder của Ethereum).
zkSync Era: Giải pháp L2 ZK-Rollup cho khả năng mở rộng của Ethereum với tính bảo mật cao. Dự án này cũng nổi bật với 458 triệu USD huy động được từ các VCs như: a16zcrypto, BitDAO, Consensys, OKX Ventures,...
Optimistic cũng là một công nghệ giúp giải quyết khả năng mở rộng hạn chế của các base layer bằng cách đưa các giao dịch ra ngoài và xử lý chúng off-chain. Tại đây, Optimistic sẽ giả định các giao dịch là hợp lệ và sử dụng mô hình chứng minh gian lận để phát hiện những giao dịch không chính xác. Những dự án nổi bật sử dụng công nghệ này bao gồm:
Arbitrum: Hiện đang là L2 Optimistic Rollup lớn nhất nếu xét theo chỉ số Total Value Locked (TVL)
Base: Dự án L2 nổi bật với việc được phát triển bởi đội ngũ của sàn giao dịch Coinbase và tham gia vào trong tầm nhìn Superchain của Optimism
Blast: L2 với tính năng native ETH và stablecoin yield, cung cấp lợi nhuận cho những người nắm giữ tài sản trên nền tảng này
Manta Pacific: Đây là một L2 được xây dựng dựa trên công nghệ Optimistic Rollup. Tuy nhiên, hiện dự án này đang dự định chuyển sang zkEVM với kế hoạch Universal Circuits
Mantle: Giải pháp L2 Optimistic cho khả năng mở rộng của Ethereum
Mode: L2 nổi bật với định hướng trở thành DeFi Hub cho tầm nhìn Superchain
OP Mainnet: Đây là L2 hàng đầu trong việc ứng dụng công nghệ Optimistic, được phát triển bởi Optimism - Tổ chức đưa ra lý tưởng và xây dựng tầm nhìn Superchain
Taiko: Dự án L2 hybrid với việc sử dụng đa bằng chứng (multi proofs), kết hợp giữa cả 2 công nghệ là Optimistic và ZK
Giải pháp cho Maximal Extractable Value (MEV) để giúp duy trì tính công bằng của blockchain bằng cách ngăn chặn các validator lợi dụng quyền hạn để ưu tiên các giao dịch mang lại lợi ích riêng cho họ. Một số dự án xây dựng giải pháp này bao gồm:
Eden Network: Đây là một giao thức không bắt buộc và không phá vỡ quy tắc đồng thuận của blockchain Ethereum khi sử dụng giải pháp này để thực hiện giao dịch
Flashbots: Giải pháp giúp hạn chế các tác động tiêu cực từ MEV khi thực hiện giao dịch và ngăn chặn các rủi ro mà vấn đề này gây ra cho blockchain
Jito Labs: Xây dựng các hệ thống có hiệu suất cao để tăng khả năng mở rộng hệ thống Solana và tối ưu phần thưởng cho các validator hoạt động trên blockchain L1 này
Manifold: Công cụ giúp xây dựng block cho user, validator và hỗ trợ tạo MEV cho tất cả stakeholder trên blockchain Ethereum
Shutter: Giải pháp nhằm mục đích ngăn chặn các MEV độc hại và front-running bằng cách sử dụng các threshold encryption - một hệ thống mật mã giúp bảo vệ thông tin
Skip Protocol: Cung cấp cơ sở hạ tầng MEV cho các blockchain và dự án như Berachain, dYdX, Evmos, Injective, Juno và Neutron
Data Usability and Tooling
Với tính minh bạch dữ liệu của công nghệ blockchain, những dự án nằm trong lĩnh vực Data Usability and Tooling sẽ cho phép chúng ta khai phá những tiềm năng rất lớn mà data có thể mang lại trong thời đại số đang được diễn ra rất mạnh mẽ như hiện nay.
Lĩnh vực này cũng được chia thành 3 phân khúc chính với những dự án nổi bật như:
Remote Procedure Call (RPC) Provider là các giao thức cung cấp khả năng cho phép chúng ta có thể kết nối và giao tiếp với blockchain thông qua giao diện người dùng. Ví dụ như chúng ta có thể tương tác với blockchain trên giao diện ví Metamask thông qua các giải pháp RPC. Một số dự án nằm trong phân khúc này bao gồm:
Alchemy: Một nền tảng cho phép các developers tương tác với blockchain thông qua việc gọi các API
Ankr: Cho phép các nhà phát triển kết nối dApp, ví, sàn giao dịch,... với blockchain thông qua RPC và API
Blockdeamon: Giải pháp cung cấp quyền truy cập tức thì vào các tập dữ liệu có thể tùy chỉnh
GetBlock: Nền tảng Blockchain-as-a-Service (BaaS) cung cấp kết nối API nhanh chóng và dễ dàng tới node của các blockchain hàng đầu trên thị trường
Infura: Cung cấp bộ phát triển cho phép truy cập tức thời vào mạng Ethereum và IPFS (hệ thống tập tin phân tán ngang hàng) thông qua API
Pocket Network: Cung cấp cơ sở hạ tầng RPC phi tập trung với thời gian hoạt động cao, tiết kiệm chi phí và độ trễ thấp
QuickNode: Nền tảng dành cho các nhà phát triển có thể mở rộng quy mô ứng dụng Web3 của họ
Smart Contract Automation là cácgiải pháp cho phép user và developer có thể lập trình bot và ứng dụng tương tác tự động với smart contract. Một số dự án nổi bật bao gồm:
Gelato Network: Nền tảng cho phép người dùng tự động hóa các chức năng của smart contract trên blockchain Ethereum
OpenZeppelin Relay: Cho phép tự động hóa các chức năng của smart contract một cách an toàn thông qua HTTP API
Data Indexing bao gồmcác nền tảng cho phép chỉ số hoá (indexing) hoặc truy vấn dữ liệu blockchain. Một số dự án nổi bật bao gồm:
0xScope: Giao thức cho phép chuẩn hóa dữ liệu Web2 và Web3 bằng cách xây dựng các knowledge graph (đồ thị kiến thức)
Covalent: Một API hợp nhất cho phép truy cập dữ liệu từ nhiều blockchain khác nhau
SubQuery: Cung cấp tính năng chỉ số hóa dữ liệu (data indexing) trên hầu hết các blockchain hàng đầu hiện nay, bao gồm cả EVM và non-EVM như Polkadot, Cosmos, Avalanche, Algorand, NEAR, Ethereum,...
The Graph: Dự án cung cấp tính năng data indexing cho các blockchain tương tự Ethereum
Security and Privacy
Security and Privacy là một lĩnh vực rất quan trọng trong bối cảnh những vụ hack và lừa đảo diễn ra rất phổ biến hiện nay, khiến cho hàng trăm triệu USD bị tin tặc khai thác. Sự ra đời của các dự án nằm trong lĩnh vực này có thể giúp ngăn chặn và hạn chế những thất thoát không đáng có cho người dùng và thị trường.
Lĩnh vực này bao gồm 3 phân khúc chính, bao gồm:
Security Solution bao gồm các giải pháp giúp nâng cao tính bảo mật cho blockchain để tránh khỏi các cuộc tấn công của hacker. Một số dự án nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm:
Forta: Giao thức giám sát thời gian thực (real-time) để bảo vệ người dùng khỏi các hoạt động blockchain độc hại
Harpie: Tường lửa (Firewall) on-chain đầu tiên giúp bảo vệ người dùng khỏi lừa đảo, hack,...
ImmuneFi: Đây là một nền tảng tiền thưởng (bounty) cho những người đóng góp vào việc phát hiện các lỗi trong smart contract hay hành động đáng nghi ngờ của các hacker
OpenZeppelin: Cung cấp các dịch vụ bảo mật để developer xây dựng và tích hợp vào dApp của họ
Revoke.Cash: Nền tảng quản lý token approvals, giúp người dùng tránh khỏi các vụ lừa đảo yêu cầu người dùng approve (cấp phép) cho smart contract độc hại có quyền truy cập tài sản của họ. Hiện nền tảng này đang hỗ trợ cho người dùng ở hơn 60 blockchain hàng đầu trên thị trường
SharkTeam: Nhà cung cấp dịch vụ bảo mật Web3 hàng đầu với những sản phẩm như kiểm toán smart contract, phân tích blockchain và ứng phó những trường hợp khẩn cấp
QuantStamp: Cung cấp dịch vụ bảo mật cho các dự án Web3. Hiện tại dự án này đang bảo vệ cho hơn 200 tỷ USD tài sản crypto trước các cuộc tấn công của hacker
Multisig Wallet là giải pháp ví giúp bảo vệ tài sản của người dùng bằng cách yêu cầu 2 hoặc nhiều chữ ký (multisig) thì mới phê duyệt thực hiện lệnh giao dịch. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Safe: Nền tảng quản lý tài sản crypto cho các blockchain tương thích EVM thông qua smart account
MSafe: Giải pháp quản lý tài sản đa chữ ký đầu tiên cho hệ sinh thái các dự án được xây dựng dựa trên ngôn ngữ lập trình Move
Squads: Giao thức đa chữ ký đầu tiên được xây dựng cho hệ sinh thái Solana
Privacy Solution là những giải pháp giúp nâng cao quyền riêng tư của người dùng. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Anoma: Giao thức bảo vệ quyền riêng tư của các giao dịch bằng phương thức match (phát hiện và kết nối) giữa các yêu cầu với nhau mà không cần phải tiết lộ địa chỉ ví như trong giao dịch P2P (giao dịch ngang hàng)
Automata: Cung cấp một blockchain trung gian bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng các thuật toán chủ động tiên tiến
Hopr: Công cụ bảo mật giúp ngăn chặn các bot truy cập vào metadata (siêu dữ liệu) của người dùng khi họ thực hiện giao dịch trên blockchain
Nym: Cơ sở hạ tầng phi tập trung được mã hóa để cung cấp quyền riêng tư cho các nền tảng dApp
Cloud Networks
Cloud Networks bao gồm các dự án cung cấp cơ sở hạ tầng phi tập trung cho các dApp để xây dựng các dịch vụ Web3 như lưu trữ, điện toán (computing) hoặc phân phối content,... Đây là một lĩnh vực quan trọng đối với thời kỳ số hóa như hiện nay, giúp cho các dApp trở nên hữu ích hơn và bảo mật tốt hơn nhờ vào tính phi tập trung của công nghệ blockchain. Lĩnh vực này còn được biết đến với thuật ngữ DePIN đang nổi lên trong thời gian gần đây.
Lĩnh vực Cloud Networks được chia thành 3 phân khúc và những dự án nổi bật trong đó bao gồm:
Content Delivery Network (CDN), đây là các nền tảng phi tập trung cung cấp khả năng phân phối các content như bài viết, video, media,... nhanh chóng trên internet theo định hướng Web3. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Fleek: Nền tảng điện toán mã nguồn mở giúp phân phối content và ứng dụng phi tập trung với tốc độ cao. Từ đó, cung cấp nguồn năng lượng cho thế hệ web mới có thể phát triển và phục vụ cho nhu cầu của con người
Livepeer Network: Giao thức lưu trữ và phân phối video phi tập trung, cho phép developers thêm các video trực tiếp hoặc theo yêu cầu vào trong dApp của họ với chi phí tốt nhất
Media Network: CDN ưu tiên quyền riêng tư và được quản lý bởi cộng đồng
Meson Network: Thị trường băng thông (bandwidth marketplace) ứng dụng công nghệ blockchain để việc mua bán diễn ra một cách phi tập trung, an toàn và hiệu quả hơn so với mô hình truyền thống
Theta Network: Cơ sở hạ tầng blockchain cho Web3 video và media
Phân khúc Computing cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào các dịch vụ điện toán phi tập trung. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Aethir: Nền tảng cách mạng hóa việc sở hữu, phân phối và sử dụng card màn hình (GPU) cấp doanh nghiệp theo định hướng phi tập trung
Akash: Một mạng mở để cho người dùng có thể mua hoặc bán tài nguyên tính toán một cách an toàn và hiệu quả
io.net: Mạng điện toán phi tập trung cho phép người dùng truy cập và sử dụng tài nguyên GPU một cách tiết kiệm chi phí tối đa nhất
Render: Nền tảng cung cấp giải pháp kết xuất (“kết” các dữ liệu đầu vào và “xuất” ra các sản phẩm kỹ thuật số) dựa trên GPU phi tập trung
Spheron: Nền tảng phi tập trung cho phép cả những người dùng cá nhân có thể cung cấp tài nguyên GPU của họ cho những người có nhu cầu
Storage là phân khúc bao gồm các dự án cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào các dịch vụ lưu trữ đám mây (tương tự như Google Drive) dựa trên cơ sở hạ tầng phi tập trung. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Arweave: Nền tảng cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn và phi tập trung bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain
BNB Greenfield: Đây là nền tảng blockchain và lưu trữ phi tập trung tương thích với EVM
Filecoin: Dự án này là một marketplace, giao thức phi tập trung cho việc cung cấp và mua bán dịch vụ cloud storage
Sia: Thị trường cloud storage phi tập trung cho phép mua bán trực tiếp mà không cần bên trung gian thứ ba
Storj: Cung cấp dịch vụ cloud storage với chi phí thấp và tính bảo mật cao
Connectivity
Connectivity là lĩnh vực mà các dự án nằm trong đó tạo ra giải pháp giúp cho các blockchain có thể tương tác qua lại với nhau. Trong bối cảnh đang có rất nhiều L1, L2 hay thậm chí là L3 xuất hiện trên thị trường, vai trò của những giải pháp này là cực kỳ quan trọng để hạn chế tình trạng phân mảnh thanh khoản và cho phép người dùng có thể tiếp cận được những tính năng độc đáo của mỗi blockchain khác nhau.
Lĩnh vực này cũng sẽ bao gồm 3 phân khúc với những dự án nổi bật như sau:
Cross-Chain Bridge là những giao thức được xây dựng để cho phép chuyển tài sản giữa các chain EVM với nhau như Across Protocol, Hop Exchange, Orbiter Finance, Portal Bridge, Rhino.fi, zkBridge,... Một số giao thức như Celer CBridge, Debridge, Multibit, Stargate, Squid Router, Synapse,... còn hỗ trợ cho cả các blockchain tương thích EVM và non-EVM.
Oracle là các giao thức giúp truyền dữ liệu on-chain qua lại các blockchain để kết nối và tạo nên sự tương tác giữa các hệ sinh thái lại với nhau. Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
API3: Giao thức first-party oracle, cung cấp data trực tiếp từ nhà cung cấp API mà không qua bên trung gian nào khác
Band Protocol: Nền tảng cross-chain oracle và kết nối dữ liệu từ thế giới thực vào trong smart contract
Chainlink: Nền tảng hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ oracle cho các smart contract
Pyth: Cung cấp dữ liệu thị trường với tần số liên tục, độ chính xác cao và real-time cho các ứng dụng DeFi
RedStone Oracle: Modular oracle cung cấp một giải pháp dữ liệu chi phí thấp cho các ứng dụng DeFi
Supra Oracles: Mạng oracle chạy hoạt động dựa trên Distributed Oracle Agreement - Giao thức giúp nâng cao độ chính xác và bảo mật của dữ liệu được phát triển bởi đội ngũ của Supra Oracles
UMA: Cung cấp giải pháp Optimistic Oracle giúp đưa dữ liệu vào các blockchain một cách an toàn
Decentralized Wireless Networks là phân khúc mà các dự án được xây dựng để cung cấp các kết nối internet liền mạch. Hiện tại, chúng ta có thể xếp những dự án nằm trong phân khúc này vào chung danh sách với các giải pháp được gọi với thuật ngữ là DePIN.
Một số dự án nổi bật trong phân khúc này bao gồm:
Helium: Mạng lưới Hotspot toàn cầu phi tập trung cung cấp giải pháp kết nối internet không dây, tạo tiền để cho sự phát triển của Internet of Things (IoT)
Karrier One: Nhà cung cấp mạng di động phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain. Giải pháp này được xây dựng bằng Polygon Supernets - Tham vọng về một hệ sinh thái dApp rộng lớn của Polygon
Pollen: Mạng di động phi tập trung đề cao quyền riêng tư
Wicrypt: Nền tảng chia sẻ điểm truy cập hotspot phi tập trung và khai thác token
Trên đây là Crypto Industry Map: Infrastructure - một mảng cực kỳ quan trọng đối với blockchain khi nó là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng để công nghệ này có được các chức năng hữu ích phục vụ cho nhu cầu của con người.
Theo bạn thì những lĩnh vực mà Binance Research phân loại trong mảng Infrastructure đã đầy đủ hay chưa? Chúng ta có cần phải để ý thêm những lĩnh vực quan trọng nào khác trong mảng này hay không? Hãy cho mình biết ý kiến của bạn ở phần bình luận và nhớ theo dõi phần 2 của Crypto Industry Map: DeFi ở trên website TradeCoinVN nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc các bạn thành công!
Bình luận
Đăng nhập